09-10-2014
JUAN PABLO CARDENAL - HERIBERTO ARAÚJO
Kỳ trước: Lối thoát di dân
Cuộc xâm lược thầm lặng
“Chúng tôi không được lựa chọn. Đến năm 2050 dân số vùng Viễn Đông của Nga sẽ giảm từ 6 triệu xuống còn 4 triệu. Chúng tôi đã thật sự thiếu lao động và tương lai sẽ càng thiếu hơn.
Người Trung Quốc nhập cư trái phép bị phát hiện ở bang Arizona - Ảnh: Tư liệu |
Rồi chúng tôi sẽ phụ thuộc vào thương mại, đầu tư và lao động Trung Quốc” - Vladimir Kucheryavenko (Viện Nghiên cứu kinh tế Khabarovsk thuộc Viện Khoa học Nga).
Các cơ hội kinh doanh không chỉ đưa người di cư Trung Quốc vào Ai Cập, trên thực tế nhiều người trong số họ thật ra đến từ Thái Lan với thị thực du lịch nhưng rốt cuộc ở lại nước này vài tháng. Một số kẻ cơ hội cũng hưởng lợi từ nhu cầu hằng ngày của những người mới đến.
Khi người di cư đến Cairo, chủ doanh nghiệp thuê cho họ một căn hộ, hướng dẫn cách thức hoạt động của ngành này, tư vấn về các khu vực của thành phố để hoạt động và giải thích tình hình của đồng bảng Ai Cập hiện hành. Họ cũng đưa những người này đến các kho để mua hàng, hưởng một khoản hoa hồng nhỏ dành cho người trung gian.
Những gái mại dâm từ chối trở về
Thực trạng di cư của người Trung Quốc đã trở thành một vấn đề rất nhạy cảm ở Nga, quốc gia hiện đang sống trong nỗi sợ về một cuộc xâm lược thầm lặng của người Trung Quốc |
“Cơn sốt vàng” dẫn dắt một số người, như bà Lan Jie, tham gia tổ chức đưa người nhập cư, thậm chí còn ám muội hơn như cung cấp gái mại dâm. Đây là loại hình kinh doanh có lợi nhuận rất cao, dù không phải là không có rủi ro.
Như không biết gì về sự vi phạm pháp luật của việc này trong một đất nước có nhiều truyền thống, nơi 90% của 80 triệu dân trung thành với Hồi giáo Sunni, bà Lan đang xem xét mở một nhà thổ ở thủ đô Ai Cập. Bà muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình trong khi ngành dệt may và tổ chức nhập cư bất hợp pháp đang bị chậm lại.
“Bây giờ cạnh tranh rất gay gắt. Có quá nhiều người Trung Quốc bán dạo và họ không kiếm được nhiều như trước” - bà nói với chúng tôi trong một nhà hàng Trung Quốc tại Cairo. Vì vậy bà quyết định bắt đầu nhập khẩu gái mại dâm Trung Quốc xinh đẹp.
Thật ra, Lan Jie đã khởi động thử nghiệm loại kinh doanh này: trong khi ăn tối với chúng tôi, bà nhận được một cuộc gọi từ khách hàng và trả lời “cô ấy hôm nay không ở nhà”. Tuyệt không một chút xấu hổ và ngại ngùng, bà Lan hoàn toàn vui vẻ kể tường tận cho chúng tôi việc kinh doanh của mình.
“Mỗi lần khách đi với gái, anh ta trả 600 bảng Ai Cập (khoảng 75 euro). Hoa hồng của tôi là 200 bảng” - bà giải thích. Với nguồn cung và cầu đảm bảo, mối quan ngại duy nhất là cảnh sát vẫn chưa nằm trong bảng lương của bà, yếu tố chính trong loại hình kinh doanh này.
“Anh có biết cách hối lộ cảnh sát không?” - bà hỏi người bạn Trung Quốc của chúng tôi, anh ta thú nhận không biết gì về chuyện này. Bà không dễ dàng bỏ cuộc: “Nếu anh ghé qua nhà của chúng tôi có thể anh sẽ thay đổi suy nghĩ”, bà cười láu lỉnh khẳng định.
Lan Jie không phải là người Trung Quốc sống ở nước ngoài duy nhất bắt đầu kinh doanh mại dâm bên ngoài Trung Quốc, một đất nước đang bùng nổ với các kiểu nhà thổ, từ quán karaoke sang trọng, nơi gái mại dâm hát truồng đến tiệm matxa tồi tàn với đèn neon màu hồng, là nơi matxa luôn kết thúc với “công đoạn vui vẻ”. Đôi khi kiểu kinh doanh này được nhái lại ở nước ngoài.
Sự lan tràn các doanh nghiệp và người nhập cư Trung Quốc khắp thế giới đã kích thích nhu cầu cho nhiều loại dịch vụ, từ các nhà hàng Trung Quốc đến phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc châm cứu và vật lý trị liệu. Mặc dù không thể đổ cho một mình Trung Quốc, mại dâm luôn là một trong những ngành kinh doanh hấp dẫn.
Ẩn nấp trong các cửa tiệm karaoke, matxa và cắt tóc, nạn mại dâm ở châu Phi đã dẫn đến hành động can thiệp quốc tế đầu tiên của đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc, do Bộ Công an thành lập trong năm 2007 để chống lại nạn buôn bán phụ nữ.
Trong tháng 11-2010, 10 đặc cảnh Trung Quốc đã đáp xuống Kinshasa - Cộng hòa Dân chủ Congo với nhiệm vụ triệt phá mạng lưới mại dâm buôn bán phụ nữ từ các vùng nghèo khó của Tứ Xuyên ở miền tây Trung Quốc, những người được cho là bị ép buộc làm gái mại dâm tại thủ đô Congo.
Theo báo chí Trung Quốc, vở kịch đã có một kết thúc trớ trêu: những phụ nữ được giải cứu đã khiến đội đặc cảnh sửng sốt khi họ từ chối quay về Trung Quốc. Bởi rốt cuộc, ở Kinshasa họ có thể kiếm được 50 USD một lần đi khách, là khoản tiền lớn so với lương tháng chỉ chừng 300 USD tại Tứ Xuyên.
Trạm trung gian
83% người lao động nước ngoài tại thị trường Siberia là người Trung Quốc |
Chuyến tàu đêm rời Bắc Kinh và sau vài giờ băng qua vùng biên. Dù gần gũi về mặt địa lý, đến được Vladivostok miền Viễn Đông Nga bằng đường bộ không phải chuyện đùa. Mãn Châu, khu vực phải gánh chịu tất cả các kiểu tàn bạo và gian khổ (dù dưới tay người Nhật, người Nga hoặc người Trung Quốc), mở ra trước mắt chúng tôi với vẻ thô ráp và cảnh quan cằn cỗi.
Chúng tôi đến Suifenhe vào sáng hôm sau, thành phố Trung Quốc sát biên giới Nga có 100.000 dân. Đó là điểm dừng đầu tiên trong hành trình chúng tôi khám phá đường đi của người di cư Trung Quốc vượt qua khu vực đã được các thương nhân châu Á thường xuyên qua lại từ thế kỷ 15 khi họ trao đổi trà và đậu nành lấy cá tươi và nhân sâm.
Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Jiou Peng trong chiếc Porsche Cayenne, đến đón chúng tôi tại nhà ga theo lệnh của ông chủ Liu Desheng, người chúng tôi gặp lần đầu ở Bắc Kinh và sẽ sớm gặp lại tại Nga. Jiou sẽ giúp chúng tôi phương tiện đi Vladivostok.
Anh ta mời chúng tôi cùng ăn trong khách sạn sang nhất ở đây, sau khi đưa chúng tôi đi một vòng quanh thành phố đang phát triển nhanh nhờ khai thác gỗ của những cánh rừng Siberia rộng lớn.
Suifenhe có cả nhịp sống điên cuồng lẫn khẩu vị thẩm mỹ đặc trưng của mọi thành phố lớn Trung Quốc đang phát triển nhanh. Các trung tâm mua sắm, nơi mà đồ chơi điện tử Trung Quốc được đóng gói từ sáng đến tối. Khách du lịch Nga chen chúc trong các cửa hàng và siêu thị mua mọi thứ mà họ không thể có được ở bên kia biên giới, hoặc những thứ có thể kiếm được trong nước nhưng với giá rẻ hơn nhiều.
“Tôi có thẻ VIP, không phải trả tiền đâu” - Jiou Peng một mực nói khi chúng tôi định trả tiền bữa ăn. Cũng như chiếc Porsche Cayenne, đôi giày thể thao Birkenstock, áo thun Jeep, đồng hồ Cartier và nhẫn vàng trắng Bulgaria tất cả nói lên cuộc sống của anh ta đang tốt đẹp.
Jiou là điển hình hoàn hảo của lớp đại gia mới ở Trung Quốc: những triệu phú làm nên sản nghiệp trong vòng chưa đầy 10 năm, sống trong những khu phố mới xây đẹp đẽ, sang trọng và ném tiền vào thời trang phương Tây. Tất cả những trò này tượng trưng cho một xã hội phân tầng, ở đấy người ta tiêu tiền để chứng tỏ mình khác với tầng lớp dưới.
Sau khi có được con dấu Nga trên hộ chiếu, chúng tôi bắt đầu hành trình đi Vladivostok. Các con đường đã đưa chúng tôi trở lại một thời đại và một thế giới khác.
Tại cửa khẩu, chúng tôi bị sốc bởi sự tách bạch về chủng tộc, như thể được cắt làm đôi bằng con dao mổ: nét mặt thô ráp đặc trưng của miền bắc Trung Quốc bất ngờ nhường chỗ cho nét thanh mảnh, da trắng và tóc vàng của người Caucasus.
Băng từ nước này sang nước khác cũng là một bước nhảy lùi về quá khứ: xa lộ hai chiều và nhà chọc trời phía Trung Quốc nhường chỗ cho cảnh nghèo nàn, quê mùa và xưa cũ. Ở đây thời gian như đã ngưng lại với thời kỳ Xô viết.
Liu Desheng chờ chúng tôi trong quán cà phê ở trung tâm Vladivostok. Chúng tôi đã gặp ông tại một bữa ăn trưa ở Bắc Kinh, nơi ông thường đi lại với tư cách đại diện các doanh nhân Trung Quốc làm ăn tại cảng Thái Bình Dương, cảng quan trọng nhất của Nga. Ông kể về những khó khăn các nhà đầu tư phải đối mặt trong một khu vực bị nạn tham nhũng tàn phá.
“Trong vài năm đầu tiên, một người Trung Quốc làm ăn với một người Nga phải giao nộp gần như toàn bộ tiền kiếm được cho người Nga. Đó là điều chúng tôi muốn nói khi nói về mafia. Bọn mafia không phải là một thực thể riêng biệt, nó ở khắp nơi. Nhưng một khi đã thiết lập được mối quan hệ tin cậy, mọi thứ trở nên tốt hơn”.
Sinh năm 1973, Liu là hiện thân phiên bản giấc mơ Mỹ của Trung Quốc. Năm 1995, ông từ bỏ công việc đầu bếp, cùng hai người anh kinh doanh hàng Trung Quốc trên thị trường bán lẻ Vladivostok.
“Tôi đến Nga lần đầu vào ngày 28-10-1995, bắt đầu bằng bán giày sản xuất từ Hắc Long Giang. 58 ngày sau, tôi kiếm được gia tài đầu tiên: 24.000 rúp, bằng khoảng 500 euro” - Liu Desheng mỉm cười nhớ lại.
“Lúc đó tôi ngủ ở ngay nơi tôi cất hàng để tiết kiệm, trong khi hai anh của tôi lo cung ứng hàng. Chúng tôi bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên, rồi mua luôn vị trí bên cạnh để mở rộng” - Liu tiếp tục kể. Gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng, ông khẳng định.
Hiện nay có hơn 120 người trong vòng thân thuộc của ông tham gia vào một doanh nghiệp mở rộng trên toàn Nga và sử dụng hàng ngàn lao động. Công ty hiện đang sở hữu bốn trung tâm mua sắm ở Vladivostok, hai ở Khabarovsk và một số cửa hàng tại Matxcơva.
Gỗ tròn Siberia trên đường sang Trung Quốc - Ảnh: Tư liệu |
“Họ biết tôi là ai”
Với ánh mắt sắc lẹm và thân hình vạm vỡ, Liu tự tin thể hiện vai trò đứng đầu gia tộc truyền thống Trung Quốc, trong trường hợp của ông là lãnh đạo những đồng hương táo bạo.
“Gia đình tôi là một trong những gia đình có ảnh hưởng nhất tại Vladivostok - ông nói - Ở đây nếu anh gặp bất kỳ rắc rối nào, chỉ cần đưa ra danh thiếp của tôi cho một người Trung Quốc bất kỳ trên xe buýt hay trên đường phố, họ sẽ giúp anh. Họ biết tôi là ai”.
Để chiếm được lòng tin, chúng tôi đã gặp ông nhiều lần trong các nhà hàng Trung Quốc, nơi nhân viên vội đưa chúng tôi vào phòng riêng tốt nhất. Chúng tôi nâng ly chúc mừng tình hữu nghị Trung Quốc - Tây Ban Nha, khoe kỹ năng dùng đũa của chúng tôi và gọi một số món ăn yêu thích của miền bắc Trung Quốc mà chúng tôi nhớ được bằng tiếng quan thoại.
Không phải là lần đầu tiên chúng tôi thấy rằng bàn ăn là nơi tốt nhất khi cần phá vỡ thái độ dè dặt của người Trung Quốc.
“Nga đánh thuế 50% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - ông nói với chúng tôi - Vì thế một số người quyết định nhập hàng bất hợp pháp. Họ chuyển hàng bằng xe tải đến biên giới và hối lộ hải quan Nga. Khi xe đã qua biên giới, họ cần tránh đi đường chính hoặc có bất kỳ hành vi đáng ngờ, vì nếu bị chặn lại ở một trạm kiểm soát khác, giá thành của hàng hóa sẽ tăng lên do họ lại phải hối lộ lần nữa”.
Giữa những lần nâng ly, Liu cho chúng tôi biết nhận xét của ông về bí mật mang lại thành công cho doanh nghiệp Trung Quốc tại Nga. Dần dần, chúng tôi bị cuốn vào cốt lõi của hiện tượng di cư của người Trung Quốc ở đất nước này và bắt đầu hiểu được nỗi sợ lan truyền trong người dân địa phương.
“Nếu người Nga không muốn chúng tôi đưa hàng hóa bất hợp pháp vào nước này, họ nên giảm thuế đánh lên sản phẩm của chúng tôi” - ông nói tiếp.
Về sau, các quan chức Nga cho chúng tôi biết các khoản thuế được áp dụng để bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương yếu ớt, nhưng đối với Liu điều này có vẻ vô lý.
“Người Nga không thể sống thiếu sản phẩm Trung Quốc. Khi cảnh sát gây rắc rối cho doanh nhân Trung Quốc, tuyên bố doanh nghiệp của họ bất hợp pháp và tìm cách đóng cửa, các doanh nhân đến gặp tôi và nói rằng chúng ta nên bỏ đi và ngừng bán hàng cho họ. Chúng ta hãy xem lúc đó họ sẽ xoay xở như thế nào!” - Liu kết luận, ám chỉ đến sự phụ thuộc của miền đông Nga vào Trung Quốc về vật tư nông nghiệp và hàng tiêu dùng.
Mức độ phụ thuộc này càng rõ khi chúng tôi ghé thăm chợ lớn nhất tại Vladivostok do Liu làm chủ. Rộng khoảng 4.000m2, ngôi chợ rất ấn tượng với 1.000 quầy hàng và 2.000 nhân viên.
Trong khu có mái che, các quầy hàng được sắp xếp theo quê quán của chủ quầy người Trung Quốc, điều hành gần như toàn bộ công việc kinh doanh trong chợ. Dãy quầy dành cho các “nhà sản xuất giày từ Vân Nam” nằm cạnh dãy dành cho “thợ may từ Cát Lâm”, còn các thương nhân từ Hà Bắc bán đồ lặt vặt, đồ chơi và đồ trang sức rẻ tiền.
Ở khu vực ngoài trời, chúng tôi thấy một cái chợ trời khổng lồ, ở đây các container vận chuyển được biến thành quầy hàng. Nga, Việt Nam, Trung Á và phần lớn là thương nhân Trung Quốc tranh nhau bán gia vị, đèn pin, áo thun, bánh mì, bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp và mọi thứ bạn có thể tưởng tượng ra.
Trên 80% sản phẩm bày bán đến từ Trung Quốc và - trước nỗi tức giận của người dân địa phương - có rất ít tác động tạo ra việc làm cho địa phương vì 2/3 nhân viên bán hàng là người Trung Quốc. Cùng một xu hướng này có thể bắt gặp trên khắp nước Nga: 83% người lao động nước ngoài tại thị trường Siberia là người Trung Quốc, và khi chúng tôi xem xét tình hình này trong toàn bộ nước Nga con số này là 61%.
Phía bên kia sông Amur
Thành công của hàng ngàn thương nhân Trung Quốc hoạt động ở Siberia tương phản mạnh mẽ với sự suy sụp của nhà nước Xô viết cũ, mà giờ đây đang cảnh giác với sự phát triển thần kỳ của nước láng giềng.
Trong khi các đô thị biên giới Trung Quốc như Suifenhe đang phát triển rầm rộ, không gì có thể kìm hãm được, thì bầu không khí khi chúng tôi ra khỏi ga đường sắt Trans-Siberian tại Khabarovsk là một thứ không khí chùng xuống với nỗi luyến tiếc một thời khác.
Trong thời gian chúng tôi ở lại thành phố này - nơi mà hầu hết mọi người vẫn lái những chiếc Lada cổ lỗ nhưng chưa chịu vào nghĩa địa ôtô - người dân tại đây đã tổ chức một bữa tiệc sôi nổi chào mừng sinh nhật lần thứ 152 của Khabarovsk.
Các gia đình đổ dồn ra đường phố, từ ông bà, con cháu mặc quần áo đẹp nhất đến các thủy thủ nắm tay các cô gái có vẻ quê mùa mang giày cao gót. Tất cả chen chúc trên con đường dọc theo bờ sông, chào đón những tia nắng xuân đầu tiên sau một mùa đông dài khắc nghiệt và vui đùa trong công viên giải trí trông như bước ra từ một cảnh phim gián điệp thời chiến tranh lạnh.
So sánh là điều không thể tránh khỏi. Ở bên này sông Amur mọi người ca hát, khiêu vũ, uống rượu và ăn mừng, dường như không quan tâm bằng cách nào những người láng giềng bờ bên kia đang phát triển với tốc độ điên rồ.
Trung Quốc và Nga là những người quen cũ, họ đã trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh với nhau, mỗi nước sở hữu một phần lãnh thổ có trữ lượng khổng lồ tài nguyên thiên nhiên, từ vàng, dầu đến nước ngọt và gỗ hiếm.
Thực trạng di cư của người Trung Quốc đã trở thành một vấn đề rất nhạy cảm ở Nga, quốc gia hiện đang sống trong nỗi sợ về một cuộc xâm lược thầm lặng của người Trung Quốc.
Như chúng tôi đã xác nhận trong suốt chuyến đi, Trung Quốc cũng đang mở rộng sang khu vực Trung Á láng giềng, từng là một phần của Liên Xô và dù tình trạng hiện nay không còn như trước, vẫn là một vùng lãnh thổ bao la nằm dưới tầm kiểm soát của Matxcơva.
Nga đã không quên rằng trước cuộc Cách mạng Tháng Mười, thương nhân Trung Quốc chiếm 13% dân số địa phương trong vùng lãnh thổ phía đông của Nga, một khu vực chiến lược đối với Matxcơva.
Các chuyên gia và chính trị gia theo dõi tình hình này với sự quan ngại, đặc biệt vì những tác động trong tương lai của nó: bốn tỉnh miền bắc Trung Quốc có chung biên giới với Nga (Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh) có dân số đến 132 triệu người cũng như các tài nguyên thiên nhiên ngày càng hiếm như nước, gỗ, dầu và đất đai màu mỡ.
Ở phía bên kia sông Amur, một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Irkutsk đến Vladivostok mà chỉ 6 triệu người cư trú và có các tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu Trung Quốc cần. Ngoài ra còn có tác động tâm lý từ thực tế Trung Quốc - một biểu tượng của nghèo đói cách đây chỉ ba thập niên khi chủ nghĩa Mao kết thúc - giờ đây là một quốc gia giàu có.
Là một quốc gia kiêu hãnh từng giữ vị trí cường quốc thế giới và xem thường nước láng giềng nghèo nàn, Nga không dễ thừa nhận một thực tế là thời thế đã thay đổi, dù người Nga có thích hay không.
NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH (DỊCH THEO BẢN ANH NGỮ CỦA CATHERINE MANSFIELD)
NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH (DỊCH THEO BẢN ANH NGỮ CỦA CATHERINE MANSFIELD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét