Lê Phú Khải
Ông Narendra Modi đã lãnh đạo
đảng BJP (đảng Nhân dân Ấn Độ) chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội
vừa qua. Ngày 26-5-2014, ông Modi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của Ấn Độ
trong một buổi lễ trang trọng tại New Delhi. Hơn 4000 khách mời đã tham dự buổi
lễ. Đặc biệt, trong đó có Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, một nước láng giềng
xưa nay có nhiều “xích mích” với Ấn Độ.
Đất nước của hơn một tỷ người đã bầu bán dân chủ người lãnh đạo
của mình, đó là điều hãnh diện không chỉ của người Ấn mà còn là niềm vui của
nhân loại tiến bộ văn minh về nền dân chủ đông dân nhất hành tinh này.
Năm 1947 Ấn Độ độc lập. Đất nước đông dân thứ hai thế giới này với
đa số công dân mù chữ và dùng 23 ngôn ngữ khác nhau, chưa kể các thổ ngữ. Nhiều
tôn giáo cùng tồn tại như Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo,
Phật giáo, Do Thái giáo, đạo Sikh, Hảo giáo, Jaina giáo… Sự phân biệt đẳng cấp,
giàu nghèo trong xã hội rất sâu sắc. Cuộc sống nhiều nơi lộn xộn, mất vệ sinh
đến mức… huyền bí! Nhiều nhà quan sát cho rằng Ấn Độ là một đất nước… tuyệt
vọng!
Cứ theo con mắt của các nhà độc
tài thì một hiện trạng đất nước như thế, dân trí như thế, không thể có dân chủ!
Phải cai trị đất nước “bằng roi vọt”, như cách nói mỉa mai của một nhà đấu
tranh dân chủ.
Nhưng tầng lớp tinh hoa của Ấn Độ lúc đó đã chọn con đường dân
chủ. Hiến pháp năm 1950 ra đời, Ấn Độ trở thành một nước cộng hoà thế tục dân
chủ đa nguyên, có quốc hội lập hiến, toà án tối cao hoạt động trên một nền báo
chí độc lập cao độ.
Người ta kể lại rằng, trong những năm đầu, khi đi bầu cử, do đa số
dân mù chữ nên các địa điểm bỏ phiếu phải dán ảnh các ứng cử viên để dân xem
ảnh mà bầu. Tại những vùng quê, địa điểm bỏ phiếu phải nhờ các lớp học. Nhưng
nguyên tắc bỏ phiếu vào một cửa, ra một cửa. Lớp học chỉ có một cửa ra vào, bỏ
phiếu xong, cử tri phải leo qua cửa sổ lớp học được kê bằng các cục gạch để ra
về. Có nhà bình luận phương Tây đã ví nền dân chủ Ấn Độ được đi lên bằng những
cục gạch kê thành bực thang đó. Nhưng do báo
chí có sự độc lập cao độ, nên mọi thói xấu của xã hội, mọi ung nhọt của bộ
máy công quyền được báo chí phanh phui hết trước công luận. Không sửa không
được. Xã hội Ấn Độ nhờ đó mà hoàn thiện dần, mà đi lên…
Ở nước này, như đã thành một cái lệ, hễ Tổng thống, Thủ tướng đi
nước ngoài về là phải gặp báo chí ngay khi xuống sân bay và phải trả lời các
câu hỏi của các nhà báo về kết quả của chuyến đi.
Từ một đất nước bao la, đứng thứ bảy thế giới về diện tích, đứng
thứ hai về dân số, nghèo nàn và lạc hậu, bị ràng buộc của quá khứ… con tàu Ấn
Độ trên lộ trình dân chủ đang đi đến một tương lai tươi sáng. Ấn Độ hiện xếp
thứ 11 trên thế giới về GDP, thứ ba về sức mua tương đương PPP. Cơ cấu kinh tế
hợp lý, dịch vụ 55% GDP, công nghiệp 26,3%, nông nghiệp 18,6%... Ấn Độ được xem
là nước công nghiệp mới, tăng trưởng GDP 5,8% liền trong hai thập kỷ, xuất khẩu
ra thế giới dầu mỏ, hàng dệt may, đồ trang sức kim hoàn, phần mềm, sản phẩm
công nghiệp, hoá chất, gia công đồ da… Đặc biệt, đến nay, 7/15 công ty gia công
phần mềm đặt tại Ấn Độ. Nước này trở thành cường quốc phần mềm thứ hai sau Hoa
Kỳ, giải quyết việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên vào năm 2011, với thu nhập
100 tỷ đô la, chiếm 7,5 GDP. Mức lương ở Ấn Độ tăng gấp đôi trong thập niên đầu
thế kỷ 21; 431 triệu người dân Ấn đã thoát nghèo từ thập niên 80 của thế kỷ
trước. Dự báo tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 580 triệu người vào năm 2030. Tính
đến tháng 5-2012 Ấn Độ có 960 triệu thuê bao điện thoại. Ấn Độ hiện đứng thứ 51
về năng lực cạnh tranh toàn cầu, thứ 7 về phát triển của thị trường tài chính,
thứ 24 về lĩnh vực ngân hàng. Thị trường tiêu thụ của Ấn Độ hiện đứng thứ 11 nhưng
dự báo sẽ lên thứ 5 vào năm 2030. Nhờ phát triển vượt bậc về công nghệ thông
tin, đến nay Ấn Độ thực sự trở thành “văn phòng của thế giới”. Một hội nghị
khoa học thế giới có thể thuê địa điểm tại Ấn Độ. Thuê một chuyên viên người Ấn
làm chủ tịch điều hành hội nghị. Sau hội nghị là có ngay bảng tổng kết, ra
thông báo về các kết luận của hội nghị một cách kịp thời và chất lượng, làm hài
lòng những người dự hội nghị. Một em bé ở một nông trại lớn từ Úc, biệt lập với
bên ngoài, đến giờ học có thể ngồi vào bàn học để một cô giáo từ Ấn Độ giảng
bài mà không cần phải đến trường cách đó hàng trăm cây số. Một người lái xe bị
tắc đường từ New York (Mỹ) có thể gọi điện hỏi một công ty dịch vụ từ Ấn Độ để
được hướng dẫn…
Ấn Độ hiện có 251 trường đại học, 8600 trường cao đẳng. Bằng cấp
của Ấn Độ được thế giới thừa nhận vì chế độ tuyển sinh, thi cử rất nghiêm ngặt.
Ấn Độ hiện có hai vị trí đứng đầu thế giới là ngành thống kê và
điện ảnh. Trung tâm Bollywood của Ấn Độ sản xuất lượng phim ảnh lớn nhất thế
giới, hơn cả Hollywood của Mỹ. Cùng với điện ảnh, âm nhạc của Ấn Độ phát triển
rực rỡ, đậm đà bản sắc Ấn, có vai trò trong văn hoá toàn cầu. Nhiều lúc, nhiều
nơi, điện ảnh và âm nhạc đã “làm thay” chức năng của các phương tiện thông tin
đại chúng ở đất nước của công nghệ thông tin phát triển này.
Một điều không thể không nhắc đến là từ năm 1995 môi trường ở Ấn
Độ được bảo vệ rất tốt. Tổ chức Ngân hàng Thế giới công nhận Ấn Độ là một trong
17 quốc gia đa dạng sinh học siêu cấp. Ấn Độ có 8,6% tổng số các loài thú,
13,7% tổng số loài chim, 7,9% tổng số loài bò sát, 6% loài lưỡng thể, 12,2%
loài cá, 6% thực vật có hoa, 12% đất có rừng rậm bao phủ, 500 khu bảo tồn loài
hoang dã, 15 khu dự trữ sinh quyển, 25 khu đất ngập nước được đăng ký nằm dưới
Công ước Ramsar.
Về quân sự, Ấn Độ là cường quốc hạt nhân từ năm 1998. Quân đội có
số lượng quân thứ ba trên thế giới, thứ 8 về chi tiêu cho quân đội. Sự có mặt
của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong lễ nhận chức của Thủ tướng Modi Ấn Độ
ngày 26 tháng 5. 2014 vừa qua là dấu hiệu đáng mừng cho châu Á, vì hai cường
quốc hạt nhân này đã “làm lành” với nhau!
Một dấu hiệu nữa cũng đáng mừng cho các nước châu Á – Biển Đông
là, chi tiêu của Trung Quốc hiện nay cho cái gọi là “an ninh nội địa” bao gồm
vũ trang cho cảnh sát quân sự, kiểm duyệt internet… còn lớn hơn cả chi tiêu cho
quân đội, vốn đã cao là 188 tỷ đô la vào năm 2013. Vẫn còn một điều đáng mừng
nữa là, trong lễ tuyên thệ nhậm chứ, Thủ tướng mới của Ấn Độ đã tuyên bố sẽ có
“quan điểm cứng rắn hơn về tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề an ninh trong khu
vực”.
Tiến sĩ nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn trái Nam bộ, một
người học đại học ở Ấn Độ và lấy bằng Tiến sĩ ở đó, khi được hỏi về đất nước
này, ông chỉ nói ngắn gọn: Tuyệt vời!
Ở trước Dinh Tổng thống Ấn Độ có một cái bục, ai có oan ức, ai
muốn đệ trình điều gì lên trên, cứ đứng đó, sẽ có người của Tổng thống ra nhận
đơn từ của anh.
Ở Ấn Độ không bao giờ có chuyện con một ông lớn không có tài cán
gì lại nghiễm nhiên thăng quan tiến chức hơn người khác. Ở Ấn Độ thi cử rất
nghiêm ngặt và nhân tài là giá trị được đề cao nhất trong xã hội.
Ấn Độ còn nhiều khó khăn trên bước đường đi lên. Người nghèo còn
nhiều. 30% dân còn mù chữ, còn đó xung đột tôn giáo và tham nhũng. Nhưng nói kỹ
về Ấn Độ hôm nay để nhân loại tiến bộ vững tin hơn về con đường dân chủ mà mình
đã chọn. Nền dân chủ đông dân nhất hành tinh là Ấn Độ thắng lợi vang dội trong
cuộc bầu cử hoà bình vừa qua là niềm vui lớn, tự hào và hành diện của cả loài
người.
Sinh thời, thi hào Tagor nói: Ấn Độ là “chiếc kèn đồng vùi trong
cát bụi”. Nay chiếc kèn đồng đó đã sáng loá dưới ánh mặt trời.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ về một đoạn văn trong Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khôp: “Khi tình yêu đến muộn
với một người đàn bà thì nó không nở ra đoá uất-kim-cương trên đồng nội mà nở
ra bông hoa dại bên đường nhưng hương thơm ngây ngất…”.
Phải chăng Ấn Độ là người đàn bà của nhân loại mà tình yêu đến
muộn… Nhưng nàng sẽ là hương thơm ngây ngất của loài người ở thế kỷ 21.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét