Theo Quê Choa
01-10-2014
Tô Văn Trường
01-10-2014
Tô Văn Trường
Thủ tướng thăm cột cờ Tổ quốc tại đảo Lý Sơn. Ảnh VOV |
Suy ngẫm từ Thông điệp đầu năm đến phát biểu mới đây ở đảo Lý Sơn của Thủ tướng , chúng ta nhìn lại bối cảnh quốc tế cuối thế kỷ trước đã dồn đất nước ta vào cảnh đau lòng, gây nên những thương đau và tổn thất khủng khiếp trong nội bộ cộng đồng dân tộc ta. Phải từ góc nhìn cả dân tộc ta đã trở thành nạn nhân như thế trong cục diện quốc tế ngày ấy, để nhận thức sâu sắc những thách thức mới của cục diện quốc tế hôm nay đang đe doạ đất nước.
Tất cả để gìn giữ, phát huy hoà giải và đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh bất khả kháng của tổ quốc Việt Nam vô vàn yêu quý của chúng ta trong thế giới hôm nay.
Nhiều người am hiểu, theo dõi thời cuộc rất quan tâm đến lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp “khánh thành công trình nối cáp điện cho đảo Lý Sơn” ngày 28/9 vừa qua.
“Hôm nay, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây, trên huyện đảo Lý Sơn, một huyện đảo tiền tiêu trên Biển Đông của Tổ quốc, một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng Tổ quốc ta, dân tộc ta, Đảng, Nhà nước ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn các thế hệ người Việt Nam chúng ta, đồng chí, đồng bào chúng ta đã anh dũng hy sinh xương máu và cả tính mạng của mình vì sự nghiệp độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn các thế hệ người Việt Nam chúng ta, đồng chí đồng bào đã hy sinh xương máu và cả tính mạng của mình vì chủ quyền của Hoàng Sa, của Trường Sa, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đội hùng binh Hoàng Sa-Bắc Hải-Trường Sa sống mãi với Tổ quốc ta, dân tộc Việt Nam chúng ta”.vv…
Quan điểm thừa nhận sự hy sinh, đóng góp của người dân bảo vệ chủ quyền độc lập của tổ quốc (kể cả người lính dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1974) đã được nhiều người nêu ra từ lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai phát biểu rất đáng ghi nhận trong thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Ngày nay, những xu thế của sự phát triển cần có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Thời gian thống nhất đất nước đã trôi qua rất lâu rồi. Cất lời hòa giải đến nay đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
Đòi hỏi của sự hòa giải hòa hợp dân tộc
Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến thảm khốc vào loại nhất nhì thế giới. Cuộc chiến đã đi vào từng gia đình, từng làng xóm, từng ngõ phố. Gia đình nào cũng có người theo phe bên này, bên kia. Sau chiến tranh, nhu cầu hòa giải, gắn kết là nhu cầu lớn. Kéo dài sự chia rẽ chỉ làm người dân mệt mỏi. Kéo dài sự chia rẽ chỉ làm phân tán lòng dân. Sự hàn gắn đã diễn ra trong xã hội, trong các gia đình từ lâu rồi. Tiếp tục sự phân biệt sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với đa số dân chúng. Nó chỉ làm làm giảm lòng tin, và suy yếu khối đoàn kết toàn dân.
Lúc sinh thời, ông Võ Văn Kiệt đặc biệt trăn trở, day dứt với câu hỏi phải làm cái gì, làm như thế nào, khi nào để người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước cùng dòng giống “con rồng, cháu tiên” được đoàn kết, hòa hợp dân tộc để phát triển đất nước. Ông thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh, biết bao chiến sỹ, đồng bào phải hy sinh để đất nước có ngày thống nhất. Chiến tranh đã cướp mất của ông 4 người thân yêu nhất, vợ và 2 người con nhỏ bị bom không tìm được thi thể, còn người con trai liệt sĩ, hy sinh trên chiến trường, bản thân ông cũng trải qua biết bao bao gian khổ, và không ít lần hiểm nguy vì bom đạn của quân thù.
Có thể nói gia đình ông Sáu Dân là một trong những gia đình chịu nỗi đau mất mát nhiều nhất bởi chiến tranh nên ông luôn trân trọng giá trị của hòa bình, tự do và độc lập. Trái tim đầy xúc động, nhân ái của ông, không chỉ rung lên những đau thương, tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi của đồng bào, chiến sỹ của ta mà còn biết cảm thông, chia sẻ cả mất mát của người dân bên kia chiến tuyến. Ông hiểu rõ những vết thương trên cơ thể của đất nước, những di chứng để lại trong tâm hồn của không ít đồng bào cả 2 bên chiến tuyến. Biết nén thù nhà, đặt sự nghiệp phát triển của đất nước lên trên tất cả, ông thường trăn trở, suy nghĩ, về làn ranh ngăn cách giữa người Việt Nam ở 2 bên bờ cuộc chiến, sau hàng chục năm vẫn còn đó. Mặc dù biết rằng một số đồng chí của mình có thể chưa cảm thông, chia sẻ nhưng ông Sáu vẫn mạnh dạn viết lên những lời tâm huyết tự đáy lòng mình về kết quả cuộc chiến tranh khốc liệt hai mươi năm là ““Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Đòi hỏi của dân chủ, dân quyền.
Hãy bỏ qua cách phán xét dựa vào thành phần, dựa vào tư tưởng, dựa vào chính kiến. Dù thế nào họ là người Việt Nam và họ đã có cống hiến cho đất nước này, dân tộc này. Trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Đứng trước những hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, mà Việt Nam đã vượt qua được. Đó là do chúng ta đa thu được lòng dân. Đã thực hiện được: Tất cả đóng góp, cống hiến đều được thừa nhận, bất chấp chính kiến. Cần mở rộng dân chủ để có được lòng tin.
Đòi hỏi của nhìn nhận lại những mối xung đột, bạn thành thù, thù thành bạn. Chúng ta đã trải qua chiến tranh kéo dài. Chúng ta đã có nhiều kẻ thù. Những nỗi đau rồi cũng mờ đi theo thời gian. Những xung đột rồi cũng được cởi bỏ. Những kẻ thù rồi cũng thành bạn bè. Mục đích cuối cùng là để phát triển. Cùng tồn tại để phát triển. Hiểu nhau để phát triển. Khi đã xóa đi hận thù với kẻ thù để thành bạn, vậy lẽ nào giữa người Việt Nam với nhau lại khó hòa hợp. Cần tiến thêm một bước để tạo sự gắn kết dân tộc, và tạo lòng tin trong toàn dân.
Nhà báo Kim Hạnh, Huy Đức và cộng sự đã tổ chức quyên góp thành lập quỹ mua ngôi nhà cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà, sĩ quan chỉ huy hải đội Nam VN đã hi sinh trong trận bảo vệ không cân sức đảo Hoàng Sa chống Trung Quốc năm 1974, (và hạm đội 7 của Hoa kỳ ở ngay trên biển Đông không hề ứng cứu) chứng tỏ nhân dân ta đã không bao giờ quên các liệt sĩ dù họ mang mầu cờ sắc áo nào đi nữa trong lịch sử đầy biến động của dân tộc ta.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ lòng tri ân tất cả các chiến sĩ đã hy sinh quên mình bảo vệ biển đảo của chúng ta là việc nên làm, vì sao chậm trễ, là vì nhiều lý do mà chúng ta đều biết. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay, ta chưa thể có chính sách giống nhau giữa các chiến sĩ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Việt Nam cộng hòa, tiền tử tuất có thể giống nhau, nhưng giấy chứng nhận có thể khác nhau : Giả dụ : Với các chiến sĩ CHXHCNVN :"Tổ quốc ghi công" và với các binh sĩ VNCH :"Vinh danh", còn ở dưới là tên người đã hi sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa (và Trường Sa, đối với một số người, chủ yếu là binh sĩ của CHXHCNVN). Nên có một tượng đài chung cho tất cả các thế hệ đã bảo vệ biển đảo của chúng ta (Hoàng Sa và Trường Sa), ở đây là "Tổ quốc ghi công".
Ở thành cổ Quảng trị có một tượng đài chung cho binh sĩ cả hai miền, nhưng vì cuộc chiến ở đó dữ dội đến mức không thể phân biệt được ai với ai nữa, xác chết chồng chất, lẫn lộn với nhau, người Bắc và Nam VN cùng chết một chỗ! Người dân rất đau lòng, khi nghe nói là người ta đã cho đục hết các dòng chữ vinh danh các chiến sĩ ta đã hi sinh cho tổ quốc trong trận chiến chống quân xâm lượcTrung Quốc tấn công chúng ta năm 1979, trong khi phía Trung Quốc vẫn kỷ niệm cho lính của họ ở ngay biên giới với chúng ta. Lịch sử rất công bằng, sẽ không bao giờ quên những kẻ hèn với giặc, ác và vô ơn với dân.
Đòi hỏi nhìn nhận những đóng góp cho đất nước, dân tộc cho dù họ là ai. Chúng ta đã từng quá đề cao những chủ nghĩa, những quan điểm cao siêu. Đất nước, dân tộc đã từng không phải là ưu tiên cao nhất. Nhưng, điều đầu tiên Hồ Chí Minh dạy thiếu niên nhi đồng là “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó là điều mà qua kinh nghiệm lịch sử, chúng ta càng ngày càng thấy thấm thía. Bỏ qua tất cả những xung đột từ đâu đó mang lại. Bỏ qua tất cả những xung đột do lịch sử để lại. Thừa nhận tất cả những công sức của đồng bào ta, của các thế hệ trước. Ta sẽ có được lòng tin và sức mạnh. Và đó mới là điều có ý nghĩa hơn tất cả những điều tưởng như cao siêu từ đâu đó mang tới.
Trên hết, đó là đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Nếu có được những điều trên, sẽ thu được lòng tin. Lòng tin là cái mà chúng ta đang cần nhất để phát triển. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Cần có phản biện xã hội để đảm bảo sự đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI đã điều chỉnh nhận thức về công tác dân vận là phải lấy ý kiến của dân trước khi ra quyết định về những chủ trương có liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Do đó, phải thực hiện 4 điều là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đại hội Đảng lần thứ IX đã tiếp tục nhắc lại việc phải thực hiện 4 điều đó. Thế nhưng, trong thực tế, dường như chỉ mới thực hiện việc "dân làm" mà không thực hiện 3 việc kia!?
Khi đang viết bài này, tôi nhận được thông tin từ ngày 30/9 , hầu hết các đường phố và nhà dân ở Hà Nội đã treo cờ Tổ quốc vì Phường gõ cửa từng nhà, nói rằng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu treo cờ từ 30-9 đến 10-10 nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10-10. Tại sao một ngày kỷ niệm của Hà Nội lại có thể yêu cầu treo cờ lâu thế, lâu hơn bất cứ dịp quốc lễ quan trọng nào, để rồi kéo luôn quốc khánh Trung Quốc (1/10) vào đó? Và lãnh đạo Hà Nội có thấy rằng rất phản cảm khi thủ đô treo cờ vào ngày quốc khánh của Trung Quốc, kẻ đang xâm lấn nước ta không?
Tôi đọc loạt bài viết của ông Nguyễn Trung về đổi mới Đảng cộng sản Việt Nam để phấn đấu trở thành đảng của dân tộc, ngẫm suy gần 40 năm độc lập thống nhất rồi, bây giờ phải đủ tỉnh táo để xót thương thân phận dân tộc mình, từ nỗi đau bị dìm vào cuộc nội chiến hôm qua, để hôm nay tìm đường vượt lên quá khứ, chỉ có thế mới đủ sức đương đầu với mọi thách thức trong hiện tại cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nếu Thủ tướng có thực hiện những điều đã phát biểu thì cũng chẳng phải là quá sớm, và nếu có ai đó không hài lòng, cản trở thì bao giờ cũng không hài lòng, đợi họ là không tưởng và rất bất lợi, tất nhiên, khi đó lượng đã chính thức biến thành chất rồi, quá trình chuyển hóa, tiến lên cùng thời đại dù có nhiều trắc trở, trả giá nhưng không thể đảo ngược.
Thay cho lời kết
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và những lần công khai phát biểu trên diễn đàn Quốc hội và quốc tế về quan điểm bảo vệ chủ quyền, biển đảo của tổ quốc rất hợp lòng người nhưng người dân vẫn mong chờ các lời nói biến thành hành động cụ thể.
Tôi vẫn nhớ trong buổi làm việc riêng chiều tối ngày 5/6/2014 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã kể phải tự tay tra từ điển để tìm hiểu ý nghĩa của hai từ “viển vông” để nói về tình hữu nghị!. Ông cũng tâm sự dự kiến sẽ phát biểu khi khánh thành công trình nối điện cho đảo Lý Sơn về sự ghi nhớ công lao của đồng bào chiến sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa-Trường Sa dù là người của chế độ Việt Nam cộng hòa và Chính phủ sẽ có chính sách đối với họ vv...
Dù biết rằng thể chế chính trị ở Việt Nam rất phức tạp, nhưng người dân luôn ủng hộ và đánh giá cao lời nói, đi đôi với việc làm của những vị lãnh đạo biết nhìn lại mình và vượt lên chính mình vì quyền lợi của đất nước, của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét