Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

QUAN HỆ VIỆT - MỸ SẼ CÓ BƯỚC ĐỘT PHÁ SAU CHUYẾN THĂM CỦA ÔNG PHẠM BÌNH MINH?

Theo VOA
01-10-2014
Trà Mi thực hiện.

Ảnh bên:Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 2/7/2013.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 1/10 và 2/10 thăm chính thức Hoa Kỳ để ‘tham vấn toàn diện về các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước’, đáp lời mời của Ngoại trưởng John Kerry.

Ba trọng tâm dự kiến nằm cao trong nghị trình làm việc giữa Ngoại trưởng hai nước cựu thù lần này bao gồm vấn đề Biển Đông, tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu, và khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam.

Một cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ về Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định quan hệ Việt-Mỹ sẽ có bước đột phá sau chuyến công du của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Có thể trông đợi điều gì từ cuộc gặp của giới chức ngoại giao hàng đầu của hai nước Việt-Mỹ? Mời quý vị cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi với ông Earnest Bower từ trụ sở CSIS ở thủ đô Washington DC, nơi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hôm nay có bài phát biểu về tình hình Việt Nam hiện tại và mối quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ.

VOA: Phát biểu tại Hội Châu Á ở New York hôm 24/9, Ngoại trưởng Việt Nam đã tái khẳng định chính sách quốc phòng ‘3 không’: không tham gia liên minh quân sự hay là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, và không dựa vào nước này để chống nước kia. Ông có bình luận gì về điều này?

Ông Bower: Phát biểu của ông Minh nhất quán với chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Việt Nam dựa trên tiêu chí cân bằng. Dù vậy, chính sách ‘3 không’ này vẫn tạo ra nhiều cơ hội cho Washington, có thể đưa chúng ta tiến về hướng bình thường hóa quan hệ giữa quân đội hai nước. Hoa Kỳ sẽ cảm thấy dễ dàng khi làm việc với chính sách ‘3 không’ mà Ngoại trưởng Việt Nam nêu lên đó.

VOA: Theo ông, chính sách này có phù hợp với tình hình hiện nay giữa các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, với vị thế nhỏ bé của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc hay không? Nhiều người cho rằng trong tình thế này, Việt Nam nên liên minh với một nước hùng mạnh như Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Ý kiến ông thế nào?

Ảnh bên:Ông Earnest Bower, cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ về Chiến lược Quốc tế

 Ông Bower: Chính sách này rất phù hợp. Tôi không tưởng tượng là Việt Nam sẽ bước vào một mối liên minh mới nào và tôi cũng không cho là Mỹ đang tìm kiếm quan hệ đồng minh với Việt Nam. Hai nước Việt-Mỹ đang tiến tới một mối quan hệ Đối tác Chiến lược. Việt Nam không muốn bị chiếm ưu thế hay bị ràng buộc bởi một đối tác nào. Mỹ cũng không kỳ vọng điều đó, chúng tôi không muốn đặt căn cứ ở Việt Nam. Hoa Kỳ không muốn và cũng không cần một liên minh quân sự với Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cần bình thường hóa quan hệ quân sự với Việt Nam và giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền cùng với các nước Châu Á khác.

VOA: Quan hệ Việt-Mỹ đã bình thường hóa gần 20 năm và đôi bên thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện từ năm ngoái. Theo ông, hai nước phải mất bao lâu nữa để xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược? Có trở ngại gì trước mắt không, và nếu có, làm thế nào có thể khắc phục?

Ông Bower: Theo tôi, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Mỹ trên thực tế đang dần hiện diện. Năm sau, hai nước kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ và đôi bên đang thảo luận về Đối tác Chiến lược. Vấn đề duy nhất cản trở hai nước nâng cấp từ Đối tác Toàn diện lên thành Đối tác Chiến lược chính là các di sản chính trị ở Việt Nam, tức những tiếng nói bảo thủ trong chính phủ Việt Nam hay trong Bộ Chính trị, những người lo ngại không muốn xích lại gần hơn trong quan hệ với Mỹ. Những người này thường thuộc thế hệ cao tuổi. Theo tôi, giới lãnh đạo trẻ tuổi của Việt Nam sẽ nhìn thấy nhiều giá trị từ một mối quan hệ vững mạnh hơn với Mỹ. Một trở ngại khác về phía Mỹ là giới lập pháp Hoa Kỳ vẫn quan ngại về thành tích nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đôi bên đang thảo luận để tháo gỡ các vấn đề này để hiểu biết và tin cậy nhau hơn. Theo tôi, mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Mỹ là điều chúng ta có thể trông thấy trong vòng vài năm tới.

VOA: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Mỹ? Việt Nam có vị trí thế nào trong chính sách của Mỹ ‘Xoay trục về Châu Á’?

Ông Bower: Với Mỹ, Việt Nam là một trong những nước có vai trò chiến lược trong Đông Nam Á, cân bằng các lợi ích kinh tế-an ninh, muốn tăng cường sức mạnh cho khu vực, hiểu rõ cấu trúc kinh tế-an ninh đang trỗi dậy của khu vực. Vì vậy, Việt Nam trở thành một trong những đối tác đặc biệt quan trọng đối với Mỹ và cũng là đối tác chính ở lục địa Đông Nam Á cũng như sẽ là yếu tố chính của liên kết từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam trong cộng đồng Châu Á. Vì vậy, với Mỹ, Việt Nam là một đối tác hết sức quan trọng.

VOA: Theo ông, hai nước Việt, Mỹ làm thế nào có thể kiềm chế sự lấn lướt của Trung Quốc dành chủ quyền trên Biển Đông?
\
Ông Bower: Hoa Kỳ quyết thuyết phục Trung Quốc rằng giải pháp cho tranh chấp Biển Đông phải thông qua luật pháp quốc tế và thương thảo với các bên đối tác chứ không phải bằng võ lực hay ỷ mạnh hiếp yếu. Nếu Trung Quốc khẳng định chủ quyền dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế thì sẽ tạo ra một sự mất cân bằng lớn ở Châu Á, dẫn tới các tình huống an ninh bất ổn ở Châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 này. Cho nên, Mỹ sẽ không bước qua một bên đứng nhìn mọi sự xảy ra như thế và Việt Nam cũng đang áp dụng phương cách dựa trên luật lệ quốc tế trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

VOA: Hoa Kỳ có thể làm gì một cách cụ thể và hữu hiệu hơn để giúp bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông?

Ông Bower: Hiện nay, Mỹ đang làm rất tốt, một mặt chúng tôi phải củng cố nội lực ASEAN, khuyến khích Đông Nam Á có chung tiếng nói về vấn đề Biển Đông và việc này hiện đã khá hơn cách đây 4 năm, dù chưa đạt một tiếng nói thống nhất mạnh mẽ nhưng đang tiến gần đến điều đó. Theo tôi, Mỹ cũng cần chuẩn thuận thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Điều này sẽ giúp tăng cường uy tín của Mỹ về vấn đề này. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng nên phát huy công tác ngoại giao, tiếp tục thúc đẩy giải pháp ôn hòa cho Biển Đông tại các thượng đỉnh khu vực để dần dần thuyết phục Bắc Kinh rằng họ phải cùng các nước láng giềng làm ra luật và tôn trọng luật, chứ không thể tự mình vẽ ra luật.

 VOA: Có thể kỳ vọng gì từ cuộc gặp tuần này giữa Ngoại trưởng hai nước Việt-Mỹ?

Ông Bower: Ngoại trưởng Việt Nam có thể kỳ vọng Ngoại trưởng Mỹ nói với ông rằng Washington định hoàn tất đàm phán TPP ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ vào tháng 11. Về vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng ông Kerry sẽ nói với ông Minh là Tổng thống Mỹ sẽ đề cao vấn đề an ninh hàng hải và cam kết của Mỹ về giải pháp ôn hòa theo luật quốc tế tại 3 thượng đỉnh ở Châu Á vào tháng 11 tới đây. Còn việc nới lỏng lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam, theo tôi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ nói với Ngoại trưởng Việt Nam là Mỹ muốn tháo gỡ chế tài này nhưng để làm được điều đó phải có sự phối hợp của cả hai phía, rằng Hoa Kỳ cần sự hợp tác của phía Việt Nam trong lĩnh vực cải thiện nhân quyền. Theo tôi, chuyến thăm lần này của ông Minh không dẫn tới kết quả ngay là Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí, nhưng kết quả nằm ở chỗ đôi bên sẽ cùng nhìn về những gì cần phải làm để lệnh cấm này được tháo gỡ, hy vọng là vào năm tới.

VOA: Sau chuyến thăm này, liệu chúng ta có thể trông đợi một bước đột phá cho quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai gần?

Ông Bower: Tôi nghĩ vậy. Bước kế tiếp sẽ là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam, rồi đôi bên tiến tới đặt các viên đá nền móng cho một mối quan hệ Đối tác Chiến lược. Tôi cho rằng Tổng thống Obama sẽ sang thăm Việt Nam vào năm 2015 nhân dịp đi dự các thượng đỉnh khu vực ở Philippines và Malaysia. Và nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là thời khắc quan trọng cho quan hệ Việt-Mỹ. Nhưng xin nhắc lại, tôi không cho là hai nước sẽ tiến tới quan hệ đồng minh quân sự trong tương lai.  

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Earnest Bower, cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ về Chiến lược Quốc tế, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét