29-9-2014
Liên Sơn
Nhân bài phát biểu của ông PPT Phạm Bình Minh cũng như cuộc đối đáp giữa ông với giới học giả Hoa Kỳ tại Hội châu Á (Asia Sociaty) ở New York (24/09). Lại nghĩ ngay đến hai chữ: Phúc và Họa.
Theo như ông Bộ trưởng ngoại giao thì Việt Nam biết rõ về Trung Quốc.
Chắc hẳn, không phải đến thời điểm này Việt Nam mới biết rõ về Trung Quốc, mà hơn hai ngàn năm sống cạnh một nước Hoa Hạ, với những cuộc đấu tranh tự vệ đã khiến Việt Nam nằm lòng Trung Quốc. Từ thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông cũng đã di huấn: Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa.
Hiểu về vị trí địa lý không thể thay đổi, hiểu được tính chất bá quyền, dã tâm thôn tính, bản chất đàn anh của Trung Quốc.
Không ai hiểu rõ người Trung Quốc bằng người Việt Nam. Những người Cộng sản lại càng hiểu hơn về điều này.
Nhưng hiểu rõ là một chuyện. Làm cách nào để khiến “lợi thế” thành sự chủ động cho chính quốc gia lại là một chuyện khác.
Một ngàn năm Bắc thuộc giúp Khúc Thừa Dụ hiểu rõ về Trung Quốc, và ông đã đặt cơ sở cho nền độc lập, tự chủ của Việt Nam, một nền “độc lập thực sự, và thần thuộc về danh nghĩa”.
Cơ sở mà dòng họ Khúc đặt ra được kế thừa qua các triều đại. Từ thời Ngô, vào năm 954 bắt đầu sai sứ sang vua Nam Hán để cầu vương, đến thời Đinh, dù xưng đế nhưng vẫn xúc tiến triều cống, cầu phong từ các hoàng đế Trung Hoa. Lệ này kéo dài mãi cho đến thời kỳ vua Tự Đức – Triều Nguyễn (cuối thế kỷ 19) mới chấm dứt.
Cách làm đó được xem là sự hiểu rõ Trung Quốc và ứng xử lại một cách khôn ngoan của tổ tiên trong thời kỳ quân chủ, là nghệ thuật lấy nhu thắng cương trong vấn đề hòa hiếu với nước láng giềng. Giữ được nước lại vừa đảm bảo lợi ích của một dòng họ khi lên cầm quyền với sự hậu thuẫn của chính quyền phong kiến Trung Quốc.
Họa – lệ thuộc bản chất
Cái thời “thần phục” trên danh nghĩa đó đáng lẽ đã kết thúc khi vua Bảo Đại dâng ấn kiếm cho chính quyền Việt Nam, kết thúc một thời kỳ mà quan hệ và sự ràng buộc luật pháp quốc tế còn chưa định hình (quân chủ), nước lớn nhỏ về mặt lãnh thổ vẫn mang tính quyết định lớn nhỏ trong quan hệ giữa các quốc gia. Một thời kỳ man sơ với sự tiến đánh chiếm bằng vũ lực ở các nước mà ít bị lên án. Và cũng là thời kỳ mà tư tưởng Nho giáo áp đặt tính “thiên triều” Trung Hoa ra các nước xung quanh.
Thế nhưng, sự xuất hiện của CNXH lại khiến Việt Nam một lần nữa bị ràng buộc về hệ tư tưởng đối với “thiên triều” thời kỳ hiện đại.
Dẫu rằng, hoàn cảnh lịch sử có đưa đẩy đến sự lựa chọn này, nhưng đến khi Liên Xô bị sụp đổ, Đông Âu bị tan rã, chế độ XHCN thì việc vẫn bám víu sự tồn vong chế độ bởi “anh hai” (là Trung Quốc) vẫn còn trụ được là điều không thể hiểu nổi. Nhất là khi mà chế độ đã không mang lại cơm ngon – áo ấm trong một thời gian dài và hạn chế những quyền tự do cơ bản nhất của một con người.
Nhưng số phận dân tộc bi thương không nằm ở đó, mà nằm ở việc, vì thần thuộc quá lâu nên phần lớn người Việt (trong đó có tầng lớp lãnh đạo) đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai tính hòa hiếu của tổ tiên, hoàn cảnh mà tổ tiên buộc phải thần thuộc về danh nghĩa. Không hiểu chế độ quân chủ đã kết thúc từ lâu, luật pháp quốc tế hiện đại đã hiện diện.
Vì thế, Việt Nam lại một lần nữa lại nằm trong đường hướng (quỹ đạo) của Trung Quốc. Việc xin sắc phong, triều cống, nay được nhắc lại qua 16 chữ vàng, dẫn đường cho việc gửi đặc phái viên “trao đổi ý kiến”, cử cán bộ qua đào tạo… Mọi sự thay đổi, đường đi nước bước của Trung Quốc đều được hấp thụ, sao chép không thương tiếc, từ cách mạng văn hóa, cải cách ruộng đất, đổi mới kinh tế, thiết lập đặc khu kinh tế, con bài chống tham nhũng… Tư tưởng Nho giáo nay đã đổi thành tư tưởng về CNXH. Từ thiên triều, Trung Quốc trở thành anh hai của Việt Nam.
Vì thế, dù hiểu rõ về Trung Quốc, nhưng tầng lớp lãnh đạo lại không muốn hiểu giá trị của các bài học mà Trung Quốc đã dạy từ thời xa xưa cho đến bài học năm 1979, bài học về lệ thuộc kinh tế - chính trị ngày nay.
Thế nên, sau sự kiện HD-981, Trung Quốc tiếp tục mở rộng đảo Gạc Ma lên 100.000 m2; cục hải sự Trung Quốc thông báo quân đội nước này sẽ diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại phía nam đảo Hải Nam, phạm vi kéo dài đến quần đảo Hoàng Sa; chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình kêu gọi Quân đội giải phóng nhân dân nước này (PLA) sẵn sàng cho một cuộc chiến khu vực. Thì ông Phạm Bình Minh lại nhấn mạnh mối quan hệ “Cả hai đều là nước XHCN, có quan hệ trên mọi kênh, giữa hai đảng, hai nhà nước, và nhân dân hai nước” và ngỏ ý mong muốn học tập “CNXH đặc sắc Trung Hoa”.
Một khi còn muốn dựa vào yếu tố XHCN và quan hệ hai đảng để hòa hiếu, giữ đất, lấy đảo theo kiểu “Lý tưởng tương thông/ Vận mệnh tương quan” thì chẳng bao giờ mong muốn của ông Phạm Bình Minh về “cơ hội bình đẳng cho tất cả các nước không phân biệt lớn nhỏ có tiếng nói và bảo vệ lợi ích của mình” thành sự thật cả.
Bởi sự yếu kém về mặt tư tưởng, chỉ cố lo thương thuyết, cầu xin ngoại giao với Trung Quốc, không dựa vào dân, không lo canh tân quốc gia mà chỉ mong muốn học tập Trung Quốc dưới nhiều hình thức chính là căn bệnh lệ thuộc/ thần thuộc thực sự. Hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”vì thế vẫn diễn ra đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam trở thành một nước nhỏ, cơ yếu, luôn trong trạng thái trông chờ “nước lớn” Trung Quốc.
Do vậy, lúc này nói hiểu rõ Trung Quốc như ông Bộ trưởng ngoại giao là quá thừa. Cái cần là làm gì cho khôn ngoan trước sự hiểu rõ đó như tổ tiên cần làm trong thời thế này.
Thế đứng Việt Nam? Trời giúp?
Những hành động của Trung Quốc đã nâng cao ý thức của Việt Nam về sự đa dạng hóa các đối tác an ninh (nhất là đối với Hoa Kì). Nhưng liệu nó thay đổi ý thức về sự lệ thuộc Trung Quốc? Chắc chắn không, khi mà vẫn còn cái mong muốn việc học tập CNXH đặc sắc Trung Hoa hay sự tương quan tư tưởng.
Tương quan (lệ thuộc) tư tưởng đó đã tạo ra những con người như ông Đại tá, phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đăng Thanh: “Trước đây Trung quốc giúp mình súng đạn, xe cộ, áo quần, lương khô, tiền bạc nhiều lắm. Họ có lấy của mình hòn đảo bằng cái đồng xu thì cũng coi như mình trả ơn, giữ hòn đảo đá ấy có làm lợi gì đâu. Cái tình cảm láng giềng nó quý hơn nhiều chứ”.
Sự chi phối và ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh khiến hình thành hoặc không thoát khỏi não trạng lệ thuộc trong phần lớn lớp người cầm quyền. Sự lệ thuộc đó cũng khiến cho cả đất nước rơi vào thế bị động qua cách nói hoa mĩ “vừa đấu tranh, vừa hòa đàm”, cho nên việc ông Phạm Bình Minh thừa nhận bên cạnh 40 cuộc đối thoại thì “do bão đến, nghĩa là chúng tôi được ông Trời giúp” ít nhiều có hàm ý tương tự.
Vị trí địa lý có thể không thay đổi được, nhưng số phận dân tộc chắc chắn sẽ đổi thay bằng cách thay đổi thế đứng về mặt đường hướng phát triển.
Muốn vậy, thì chỉ có con đường duy nhất là phải tách khỏi Trung Quốc về tư tưởng chính trị và thể chế chính trị, phát triển độc lập mô hình thể chế so với Trung Quốc thay vì giống Trung Quốc. Xây dựng lực nước để tạo ra tính bình đẳng chứ không phải trông chờ vào một tổ chức ASEAN thích hội họp hay sự thay đổi và tính cầu thị nước lớn (Trung Quốc).
Để làm được điều đó, trong tầng lớp lãnh đạo cần có những người như ông Trần Xuân Bách hay Hunsen. Những cái đầu dũng khí nhận ra cái nhục về tính lệ thuộc, mà tỉnh táo nhìn về thế nước nhỏ, nghĩ đúng về sự tồn vong, tiền đồ dân tộc. Để biết mà tìm cách vươn lên thay vì dựa dẫm, quan niệm “anh em”. Khi đó, sơn thủy sẽ luôn tương liên, văn hóa có thể tương đồng nhưng lý tưởng không thể tương thông, và vận mệnh cũng vì thế mà không tương quan. Trong họa có phúc là vậy.
Tiếc là, Việt Nam về mặt lãnh thổ, dân số không phải là nước nhỏ, nhưng giờ đây, không ai khỏi băn khoăn trước câu hỏi về sự yếu hèn. Nhất là mãi đến giờ này, vẫn chưa thấy cái đầu dũng khí vẫn chưa xuất hiện trong giới lãnh đạo cấp cao còn tại vị, những phát ngôn vì nước – vì dân (định hình thế đứng của quốc gia) chỉ xuất hiện khi các lãnh đạo ở vị trí nguyên, còn những câu nói cầu vịn như ông Tổng bí thư đảng Cộng sản - Nguyễn Phú Trọng thì lại nhiều vô kể. Qua đó mới biết, các vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải hiện nay không nằm ở Trung Quốc, mà vấn đề nằm ở sự lệ thuộc để giữ quyền lợi thống trị của tập đoàn người ở Ba Đình còn quá chặt chẽ dẫn đến sự từ chối một thế nước mới.
Cái nhục của sự lệ thuộc và nước nhỏ chưa bao giờ là sự trăn trở của tầng lớp lãnh đạo, trong khi đó người dân thì thờ ơ chính trị.
Vậy nên, đường hướng đi, cách giao thiệp, ứng xử với Trung Quốc từ sau cuộc chiến tranh Biên giới đến nay của chính quyền ngày một lúng túng, không khác gì một “quái kịch Phan Xích Long ở Nam Kỳ” năm xưa.
Vận mệnh đất Việt trước họa Trung Quốc, hay là giao phó cho… trời giúp!?
Troi giup ? Con khuya, dung co mo. Dang giup day. Cac ban con nho : "Vat dat ra nuoc, thay troi lam mua a". Dang ta Vi Dai......
Trả lờiXóa