Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

TỪ ĐIỀU 9 HIẾN PHÁP ĐẾN HỢP TÁC HÀNG HẢI NHẬT - VIỆT - PHILIPPINES

Hà Văn Long - Huỳnh Tâm Sáng Một thế giới
8-7-2014
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Đã có những ý kiến về một liên minh pháp lý, nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác quân sự chung giữa Nhật Bản và Việt Nam, Philippines.
Việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong chính sách tại biển Đông, khiến nhiều quốc gia khó có thể “ngồi im”. Tâm lý lo lắng bao trùm, chủ nghĩa dân tộc của các quốc gia nổi lên, tăng cường chạy đua vũ trang, khiến an ninh của khu vực nói chung và an ninh hàng hải nói riêng đang đứng trước một thách thức. Hệ quả có thể dẫn đến một sự phân chia quyền lực trong khu vực được coi là tương lai của thế giới.
Các nước nhỏ đang bị Trung Quốc bắt nạt, đặc biệt là Philippines và Việt Nam hiểu rằng để đối phó với một “con rồng hung hăng”, ngoài việc tăng cường sức mạnh trong nội tại của quốc gia, việc hợp tác với những nước đang có chung vấn đề với nhau sẽ giúp họ có thêm những sức mạnh cần thiết và kịp thời để đối phó với những thách thức an ninh chung của khu vực. 
Và một nước lớn đang cùng có chung vấn đề đó, không ai khác chính là Nhật Bản.
Vai trò an ninh mới của Nhật Bản
Đối với Nhật Bản, ngoài những tranh chấp đơn thuần với Trung Quốc trên biển Hoa Đông thì biển Đông chính là con đường sinh mệnh của họ. 
Cục phòng vệ Nhật Bản (bây giờ là Bộ Quốc phòng Nhật Bản) tuyên bố: “Đông Nam Á, trong đó có eo biển Malacca, biển Đông, vùng biển gần Philippines và Indonesia, vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển tài nguyên thiên nhiên đến Nhật Bản, khu vực này là điểm then chốt để liên kết giao thông giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. 
Vì vậy, bất cứ một xung đột lớn nào tại đây đều sẽ làm gián đoạn tuyến đường cung cấp dầu khí cho Nhật Bản, trực tiếp tác động tới sự sống còn của nền kinh tế, chính trị và an ninh của Nhật Bản.
Cùng với đó, trước những biến động lớn của tình hình thế giới và khu vực, Nhật Bản đang muốn thoát khỏi cái bóng của “kẻ thua trận” trong thế chiến thứ hai, để đảm nhận một vị trí cao hơn trong nền an ninh, chính trị khu vực cũng như toàn cầu. 
Điều 9 trong “Chương II: Phủ nhận chiến tranh” nêu rõ: “[…] Nhật Bản sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác. Quyền tham chiến không được công nhận”. Đây là rào cản quá lớn đối với Nhật Bản từ năm 1947. Đó là lý do từ sau thế chiến II, Nhật Bản vẫn phải chịu “lép vế” hơn so với Trung Quốc về mặt quân sự.
Thủ tướng Abe giữ vai trò quan trọng trong quyết định tu sửa chính điều 9 của Hiến pháp. Những năm gần đây, ông Abe và những người ủng hộ luôn đề cao thuyết “hòa bình tích cực” (active pacifism). Điều 9 của Hiến pháp với ý nghĩa nhất định sẽ cản trở khả năng này. Hiển nhiên, theo điều 9 thì Nhật sẽ không thể đánh chặn tên lửa nhằm vào Mỹ hoặc bảo vệ tàu của một đồng minh đang bị tấn công. Khi đó, mối đe dọa cho đồng minh sẽ là mối đe dọa cho Nhật.
Ngoài ra, Tokyo cũng luôn giữ thái độ thận trọng với đồng minh chiến lược Washington. Mặc dù các cam kết vẫn luôn hiện hữu nhưng không ai đảm bảo Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật tích cực khi Senkaku/ Điếu Ngư bị đe dọa. Nếu chính Nhật Bản không thể hiện vai trò chủ động, Mỹ cũng chẳng mặn mà gì đánh cược quan hệ Mỹ - Trung khi xung đột Trung - Nhật diễn ra xung quanh Senkaku/ Điếu Ngư. Quan hệ “đồng minh kiềm chế” của Mỹ đã buộc Nhật phải chủ động và tránh làm phật lòng “quan thầy” của mình.
Sáng ngày 1.7, Dự thảo Nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền “tự vệ tập thể” (collective self defence) đã được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản không còn bị ràng buộc bởi điều 9 của Hiến pháp chủ hòa. 
Từ đây, Nhật Bản từ chấp nhận quyền tự vệ (sử dụng vũ lực với mức độ tối thiểu) khi bị tấn công đã có thể chủ động bảo vệ đồng minh khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ. Động thái này được xem là một cuộc cách mạng cả trong chính trị đối nội và đối ngoại của Nhật.
Theo cách giải thích mới, quân đội Nhật Bản sẽ có thể trợ giúp trong trường hợp quân đội Mỹ bị tấn công bởi một kẻ thù chung, ngay cả khi Nhật Bản không phải là đối tượng của cuộc tấn công đó. Việc giải thích lại Hiến pháp vừa là động thái ôn hòa khả dĩ mà ông Abe có thể tìm đến như một cứu cánh trong bối cảnh an ninh Đông Bắc Á đang như chỉ mành treo chuông.
Khao khát khôi phục vị thế “cường quốc bình thường” đã buộc Nhật phải toan tính kỹ lưỡng. Những động thái của Trung Quốc gia tăng căng thẳng tại biển Đông và biển Hoa Đông từ năm 2007 đến nay chính là “phép thử” cho ông Abe. Nhật Bản đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội khi lợi dụng “lực cản” từ Trung Quốc để tạo “lực đẩy” cho ý thức tự chủ, ý nguyện an ninh và nhu cầu tăng tường quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật.
Thực tế, Nhà trắng cũng đã “bật đèn xanh” cho Nhật khi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố vào cuối tháng 6.2014 rằng luôn “khuyến khích Nhật Bản trang bị quyền tự vệ cho họ một cách minh bạch và sẽ vẫn hợp tác với nhau về những vấn đề quan trọng khác”.
Liên minh hàng hải Nhật Bản - Việt Nam - Philippines
Qua việc “diễn dịch lại hiến pháp ”, thông điệp mà Nhật truyền đi cho Trung Quốc hẳn sẽ là “con giun xéo lắm cũng quằn”. Mặc dầu giải pháp quân sự cần hội tụ đủ 3 điều kiện (i) một đe dọa thực sự với nhà nước Nhật Bản, (ii) mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc người dân Nhật và (iii) không còn một giải pháp thay thế nào khác, nhưng rõ ràng đây là một nỗ lực mang tính quyết đoán của nội các Thủ tướng Abe. 
Từ sự quyết đoán của Nhật, những quốc gia như Việt Nam và Philippines sẽ có thể xem đây là gợi mở để có cách tiếp cận quả quyết và khéo léo hơn với Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông, đặc biệt trong việc hình thành một liên minh hay hợp tác về an ninh hành hải.
Trong hợp tác này, Nhật Bản là nước duy nhất có đủ khả năng để hỗ trợ cho Việt Nam và Philippines trang thiết bị kỹ thuật nhanh nhất, kịp thời nhất để đảm bảo an ninh hàng hải. Đồng thời điều này phù hợp với một chiến lược lâu dài của Nhật Bản nhằm tăng cường vai trò của nước này.
Việt Nam và Nhật Bản đang có mối quan hệ ngày càng sâu sắc với nhiều chuyến thăm cấp cao từ hai phía trong thời gian qua. Việt Nam là nước không có mâu thuẫn về lãnh thổ với Nhật Bản, sẵn sàng chia sẻ quan điểm với Nhật Bản trên nhiều vấn đề. Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nước trong khu vực về mặt chính trị. 
Từ tầm nhìn đó, chính phủ Nhật Bản đã bước vào một cuộc thảo luận về quyền phòng thủ tập thể, có ý kiến cho rằng khi quyền phòng thủ tập thể được áp dụng, Nhật Bản có thể trợ giúp Việt Nam trước động thái cứng rắn của Trung Quốc.
Đây là điều hoàn toàn hợp lý về nguyên tắc, nhưng việc trợ giúp có thực hiện được hay không lại là vấn đề khác. 
Nếu Nhật Bản chủ trương công khai hỗ trợ Việt Nam có thể khiến Bắc Kinh nổi giận và sẽ đáp trả Nhật Bản, đó còn chưa kể đến rào cản trong những quan điểm khác nhau đến từ giới chính trị Nhật Bản. 
Do đó, trong chiến lược sắp tới Tokyo có thể sẽ từng bước hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh. Trong đó điểm bắt đầu là tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh hàng hải tại tuyến đường “sinh mệnh” trên biển của Nhật Bản bằng việc huấn luyện lực lượng bảo vệ bờ biển và chia sẻ thông tin, cung cấp các tàu tuần duyên cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam.
Bên cạnh đó, quan điểm hiện nay của Việt Nam rõ ràng: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). 
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam đã khiến quan hệ Việt - Trung ngày càng xấu đi, những cuộc đụng độ, va chạm trên biển khiến an ninh hàng hải đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nhận ra rằng, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cần phải tăng đầu tư nhanh, cường mạnh mẽ hơn nữa để đối phó với các thủ đoạn từ Trung Quốc hiện tại và tương lai.
Philippines cũng đang có cùng một nỗi lo ngại với Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay quan hệ giữa hai nước đang thực sự khởi sắc trong quan hệ chiến lược do tác động của nhận thức chung về mối đe dọa từ Trung Quốc và các quan ngại về chính trị và kinh tế trong nước. 
Với sự cầm quyền trở lại của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang thực hiện hình ảnh về một cường quốc “toàn diện” trong khu vực và Philippines có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược đó. Trong khi đó, Manila đang đẩy mạnh quan hệ đối tác với các đồng minh trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình, đồng còn ủng hộ mạnh mẽ Nhật Bản tái vũ trang, thoát khỏi ràng buộc của Hiến pháp hòa bình để trở thành một yếu tố cân bằng quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những bước đi cụ thể
Việc chuyển giao 10 tàu tuần tra mới cho Philippines đã thể hiện một chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường sức mạnh hàng hải. Mặc dù nó sẽ không làm nghiêng quá mức cán cân hải quân ở biển Đông nhưng nó sẽ nâng cao nhận thức về biển của Philippines và thúc đẩy các thương lượng chiến lược của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines có thể giúp Nhật Bản bằng cách giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông. Đối với Nhật Bản, biển Đông là một trường hợp thử nghiệm về cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hơn nữa, Nhật Bản thấy rằng bằng cách tăng số lượng tàu có sẵn mà Philippines có thể sử dụng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sự tập trung và nguồn lực của các cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ có khả năng bị phân tán giữa biển Hoa Đông và biển Đông. 
Ngoài ra, tăng cường năng lực cho các lực lượng biển không được trang bị tốt của Philippines cũng sẽ cho phép nước này đóng góp vào việc bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông, bao gồm cả tuyến đường biển không bị cản trở của Nhật Bản.
Song song với hợp tác an ninh hàng hải với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đang tiến hành những bước đi cần thiết để cùng nhau bảo vệ các nguồn lợi thủy sản, chống lại các hoạt động phi pháp trên biển và sự xâm nhập các vùng lân cận giữa hai nước.
Trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014), Tổng thống Aquino khẳng định: “Hai nước đã đối mặt với thách thức chung với tư cách là quốc gia biển và thành viên của ASEAN. Việc tăng cường hợp tác giữa Philippines và Việt Nam sẽ cho phép chúng ta bảo vệ tốt hơn các nguồn lợi thủy sản của mình. Chúng ta tiếp tục theo đuổi các chiến lược giúp tăng trưởng và vì lợi ích của người dân và khu vực”.
Còn Thủ tướng Việt Nam đã phát biểu rằng: “Chúng tôi cũng tái khẳng định hợp tác biển là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, nhóm chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển, khí tượng, thủy văn và bảo vệ môi trường biển”.
Việc hai nước đều là thành viên của ASEAN và cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng từ phía Trung Quốc, việc hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trở thành việc cấp bách. Đã có những ý kiến về một liên minh pháp lý, nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác quân sự thông qua việc cho mượn hoặc mua một số các vũ khí đã qua sử dụng hay khả năng đào tạo nhân sự và diễn tập quân sự chung giữa Nhật và Việt Nam, Philippines.
Nhưng quan trọng nhất trong bối cảnh một Trung Quốc trỗi dậy “không hòa bình” là các quốc gia chịu ảnh hưởng đang cần một cuộc cách mạng về tư duy, trong việc nhìn nhận và đánh giá lại các mối quan hệ khu vực và quốc tế. 
Sự ủng hộ lẫn nhau đang diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Á đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải. Nhật Bản và Philippines đã đi trước về quân sự và pháp lý vậy Việt Nam chúng ta còn chờ đợi gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét