Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

VÌ SAO KINH TẾ VIỆT NAM QUÁ KHÓ ĐỂ THOÁT TRUNG

Thụy My - RFI
26-6-2014

« Thoát Trung », đó là cụm từ mới xuất hiện rất nhiều trên mặt báo chính thống cũng như trên các mạng xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây, đặt ra một vấn đề lớn mà lâu nay hầu như nan giải. Không chỉ chính trị bị ảnh hưởng nặng nề từ « Thiên triều », mà nền kinh tế đang lệ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc, cũng hết sức chật vật khi muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người láng giềng khổng lồ tham lam, nhiều thủ đoạn ở phương Bắc.

Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn, 18/05/2014

RFI Việt ngữ đã đặt vấn đề này với nhà bình luận đồng thời là tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Saigon.

RFI : Vào những ngày này người dân Việt Nam đang sống trong khung cảnh các giàn khoan Trung Quốc vẫn đều đặn tiến chiếm vùng lãnh hải của mình. Nhưng dư luận trong nước cũng đang dậy lên những tiền đề cho một phong trào “Thoát Trung”. Anh có chia sẻ với ý tưởng này không?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Không phải chờ đến bây giờ khi các tàu Trung Quốc đâm nát tàu kiểm ngư Việt Nam, mà cách đây ba năm khi  “người anh em láng giềng” này lần đầu tiên dám cắt cáp tàu Bình Minh, ý tưởng đầu tiên về phong trào “Thoát Trung” đã hình thành trong một bộ phận giới trí thức Việt Nam. Tuy nhiên lúc đó chỉ là một bộ phận nhỏ thôi. Hơn nữa, có muốn trở nên "bộ phận lớn" cũng chưa thể được vì khi đó Nhà nước Việt Nam còn say sưa trấn áp, đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc.

Nhưng còn bây giờ thì tình hình đã trở nên bĩ cực hơn nhiều. Dù cho chính quyền vẫn chưa bớt ham muốn việc phong tỏa biểu tình chống Trung Quốc, nhưng một khi quân đội Việt Nam bị đặt vào thế sẵn sàng chiến đấu thì không có lý gì để phong trào “Thoát Trung” không trỗi dậy.

Vào tháng 6/2014, lần đầu tiên một cuộc hội thảo về “Thoát Trung” đã được một số trí thức độc lập cộng với một nhóm trí thức thuộc trường phái “phản biện trung thành” tổ chức ở Hà Nội. Đã có một số bài tham luận được nêu ra. Nhưng nhìn chung, dư luận người nghe vẫn chưa thỏa mãn trước những luận đề có vẻ còn khá trừu tượng. Dư luận đặt thẳng câu hỏi là nói tới “Thoát Trung” thì phải nói cho rõ là thoát cái gì và làm thế nào để thoát, chứ tình thế hiểm nghèo hiện thời không còn cho phép việc nói chung chung nữa.

Riêng tôi cho rằng vấn đề thoát Trung, xét về mặt thượng tầng là thoát khỏi ý thức hệ của Bắc Kinh vốn đã chi phối quá nhiều đối với giới lãnh đạo bảo thủ ở Hà Nội, một ý thức hệ mà cho tới nay đã chứng tỏ sự nguy hiểm đến mức kéo lùi tiến trình vận động xã hội và xu thế dân chủ về lại những năm 60-70 của thế kỷ XX. Đây chính là thoát khỏi phương diện bị ràng buộc về tư tưởng chính trị và thể chế chính trị.

RFI : Nhưng các biểu hiện của chính thể ở Hà Nội cho thấy vẫn còn khá gắn bó với Trung Quốc?

PCD : Đây cũng là một câu hỏi, mà trên hết có thể coi là một tinh thần phẫn nộ, được rất nhiều người trong giới cách mạng lão thành, trí thức, nhân dân và cả một phần cán bộ đương chức đang xoáy vào Bộ Chính trị của Đảng. Đó là tại sao khi Trung Quốc đã công khai khiêu khích và không giấu diếm ý đồ thôn tính Việt Nam trong những năm tới, toàn bộ Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ vẫn bình chân như vại? Thậm chí trong kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội còn không dám ban hành một nghị quyết riêng về Biển Đông, và cho tới giờ này cũng chưa thấy bóng dáng hồ sơ kiện cáo Trung Quốc ra tòa án quốc tế…

Vào lúc cuộc chiến biên giới phía Bắc xảy ra vào năm 1979, người ta còn có thể hiểu được là sự xoắn quyện về ý thức hệ khi đó vẫn đang ở mức cao độ, và một cuộc chiến với cả trăm ngàn người thiệt mạng của hai bên thật ra không có ý nghĩa lớn lao so với việc sau đó hai chế độ vẫn phải tiếp tục dựa vào nhau để “chống lại chủ nghĩa đế quốc”. Thế nhưng hơn ba chục năm sau thì không ít người trong nội bộ đảng đã hầu như thất vọng với lý thuyết “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hay “chủ nghĩa xã hội hài hòa” ở Trung Quốc.

Quá nhiều đổ bể tâm trạng khi phải đối chiếu giữa một bên là hàng ngàn trang giáo điều về hệ tư tưởng cộng sản, còn bên kia là một thứ chủ nghĩa tư bản dã man đang chế ngự với cường độ ghê gớm ở cả hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam. Mà như vậy thì làm sao có thể còn nói đến chuyện ý thức hệ là tấm gương phản chiếu cho cả hai chế độ Bắc Kinh và Hà Nội? Hay có thể hiểu là cơ chế cộng sinh ý thức hệ chỉ là một lý do đầy tính ngụy biện?

Nhưng nếu không phải là sự phụ thuộc lẫn nhau vào ý thức hệ thì vào cái gì? Phải chăng đó là sự lệ thuộc hay phụ thuộc quá lớn vào “tình hữu nghị giữa hai dân tộc”? Hay bị câu nệ vào một mối quan hệ văn hóa truyền thống giữa hai đất nước có rất nhiều đặc điểm giống nhau? Hay còn gì khác nữa?...

RFI : Theo anh thì còn lý do gì khác?

PCD : Nếu quan sát những gì đã diễn ra giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc từ ít nhất 40 năm qua, thì có thể kết luận không ngần ngại là gần như mọi mối quan hệ chính trị đều xuất phát từ lợi ích kinh tế và đều dựa vào lợi ích kinh tế để cùng tồn tại. Chúng ta đang đi đến điểm cốt lõi của vấn đề: kinh tế quyết định chính trị.

Các tập đoàn chính trị Việt Nam không thể “làm khó” Trung Quốc một khi họ bị phụ thuộc quá nhiều vào những lợi ích kinh tế béo bở, bất chấp việc nền kinh tế nước nhà gần như chẳng được lợi lộc gì trong quan hệ giao thương với Trung Quốc trong ít nhất từ năm 2001 đến nay. Mà như vậy, muốn thoát Trung về chính trị trước mắt và thoát Trung về văn hóa trong lâu dài, thì trước hết và điều kiện cần là phải thoát Trung về kinh tế.

RFI : Kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào?

PCD : Gần đây giới chuyên gia nhà nước mới dần hé lộ về thực trạng kinh tế Việt Nam phải nhập siêu đến mức nào từ Trung Quốc. Nếu lấy mốc từ năm 2001 theo một thống kê của Việt Nam, thì từ năm đó đến nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm với tốc độ chóng mặt, từ 200 triệu đô la Mỹ năm 2001 lên gần 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013, tức tăng đến 120 lần. Cần lưu ý là tổng nhập siêu của Việt Nam từ các nước khác, sau khi đạt đỉnh 18 tỉ đô la Mỹ vào năm 2008, bắt đầu xu thế giảm xuống từ năm 2009 đến nay, thậm chí năm 2012 và 2013 Việt Nam còn chuyển sang xuất siêu. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc thì không hề giảm mà vẫn tiếp tục tăng mạnh, từ 11 tỉ đô la Mỹ năm 2009 lên 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013.

Hậu quả cho đến giờ này là trong 110 nhóm hàng nhập từ Trung Quốc với giá trị lên đến 37 tỉ USD vào năm 2013, có rất nhiều sản phẩm là linh kiện đầu vào cho sản xuất, trang thiết bị cho dự án đầu tư đang triển khai của Việt Nam. Dù con số đó chỉ bằng 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng lại tương đương đến 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Tình huống có thể xảy đến là nếu Trung Quốc đột ngột ngừng xuất khẩu sang Việt Nam thì sẽ gây ra tác động dây chuyền không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Một số doanh nghiệp dệt may còn tiết lộ là họ chỉ có thể cầm cự được vài ba tháng nếu thiếu nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Nói ra điều này thật đau lòng và còn có vẻ quá bất lợi vì rõ ràng đó là thế quá yếu của kinh tế Việt Nam, song đã đến lúc không thể không nói thẳng, nếu thực sự muốn thoát Trung về kinh tế.

RFI : Có lẽ phải có những nguyên nhân đủ lớn khiến cho lượng nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng mạnh đến vậy?

PCD : Đương nhiên câu chuyện Việt – Trung không bao giờ thiếu nguyên nhân. Nếu chúng ta tổng hợp ý kiến của khá nhiều chuyên gia thì có một số nguyên nhân chính như sau :

Thứ nhất, hàng Trung Quốc từ máy móc thiết bị đến nguyên phụ liệu hay hàng tiêu dùng hầu hết đều có giá rất rẻ, do chi phí nhân công của Trung Quốc vào loại thấp nhất thế giới. Cùng lúc đó và khác nhiều với Việt Nam, Trung Quốc vẫn duy trì phần nào chính sách hỗ trợ xuất khẩu, mà một trong những bằng chứng là hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường Mỹ và Tây Âu rất ít khi bị kiện cáo như giới xuất khẩu tôm và cá ba sa Việt Nam từng bị.

Với ưu thế giá rẻ, hàng tiêu dùng Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt người thu nhập thấp chấp nhận. Nguyên phụ liệu từ Trung Quốc được nhập khẩu nhiều cũng do giá rẻ, nhất là khi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ đủ mạnh để cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành gia công xuất khẩu. Máy móc thiết bị giá rẻ của Trung Quốc được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do khả năng tài chính hạn chế của họ. Riêng câu chuyện này thì chỉ có thể nói là mình nên tự trách mình, vì suốt từ năm 2007 khi Việt Nam tham gia vào WTO đến nay, phần lớn doanh nghiệp đã không cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của họ.

Một nguyên nhân khác là trong cơ cấu sản phẩm trong thương mại Việt -Trung, Việt Nam có đến trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Chủ yếu là khoáng sản, nông lâm thủy sản thô, sơ chế với giá trị gia tăng thấp, giá cả lại bấp bênh và thường có xu hướng giảm, giá so sánh tương đối thấp so với các sản phẩm chế biến - chế tạo. Trong khi đó các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là thành phẩm hóa chất, sản phẩm chế tác cơ bản, máy móc thiết bị, có giá trị gia tăng cao, chiếm trên 80% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiển nhiên tương quan lực lượng như vậy cho thấy Trung Quốc có lợi nhiều hơn hẳn so với Việt Nam.

Một ví dụ điển hình là cùng mặt hàng nông sản, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc một đơn vị thì nhập khẩu từ quốc gia này đến 10 đơn vị mặt hàng nông sản cùng loại. Không thể nói khác là tỉ lệ 1/10 và phương thức nhập khẩu kiểu đó đã làm cho Việt Nam trở thành nơi cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến của Trung Quốc.

Chẳng hạn như dệt may của Việt Nam, tuy là ngành giải quyết nhiều lao động, nhưng thực chất là may gia công, là nơi tiêu thụ nguyên liệu cho Trung Quốc. Do đó ngày càng phụ thuộc đến mức nếu không có nguyên liệu Trung Quốc, nhiều người lo ngại ngành may mặc Việt Nam sẽ tiêu điều.

May mặc lại là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu 18-20 tỉ USD, nhưng hơn 70% nguyên phụ liệu của may mặc phải nhập từ Trung Quốc và số lợi nhuận này do Trung Quốc hưởng trọn. Vì thế giới doanh nghiệp dệt may đã phải thống thiết rằng những nguyên liệu này không đòi hỏi công nghệ cao gì cả, nhưng tại sao Việt Nam không làm được mà lại bỏ ngỏ cho Trung Quốc?

Một nguyên nhân nữa chính là một thực tế rất trần trụi: mặc dù đã giao thương từ rất nhiều năm qua, nhưng Việt Nam hầu như không có hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc - từ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sử dụng đối với máy móc, thiết bị, đồ gia dụng. Thế là cơn lũ hàng hóa của Trung Quốc bất kể chất lượng, phẩm cấp thế nào vẫn tràn vào Việt Nam.

Còn với Trung Quốc thì ngược lại hoàn toàn. Ngoài hàng rào kỹ thuật, Trung Quốc còn yêu cầu hàng Việt Nam sang Trung Quốc buộc phải qua một số cửa khẩu do Trung Quốc chỉ định. Như hải sản chỉ được đi qua Móng Cái, cao su chỉ được đi qua Móng Cái, Lục Lầm, hoa quả tươi chỉ được qua Lào Cai, Lạng Sơn…

Với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3), trong khi Việt Nam chưa tận dụng được bao nhiêu thì Trung Quốc triệt để khai thác lợi thế. Chẳng hạn 10 năm sau khi Hiệp định ASEAN+3 có hiệu lực (2000-2010), xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng 25 lần, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 5 lần.

Hậu quả cho tới nay là nếu theo con đường chính ngạch, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc. Điều này cũng trực tiếp làm suy giảm lợi ích từ hoạt động thương mại của Việt Nam.

Còn nếu hàng hóa Việt Nam xuất theo con đường tiểu ngạch thì còn bi kịch hơn nữa, bởi khá nhiều sản phẩm sơ chế là do thương nhân Trung Quốc thu mua tận gốc với giá rẻ. Vài năm qua đã chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp nông dân Việt Nam bán ngọn chặt gốc và sau đó là phá sản vì bị thương lái Trung Quốc “xù” hợp đồng. Cần chú ý là thương mại tiểu ngạch chiếm một tỉ trọng đáng kể trong thương mại với Trung Quốc, không chỉ tác động đến nguồn thuế thu, gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng hàng nhập khẩu mà còn tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam.

RFI : Dư luận gần đây cũng đặt lại câu hỏi về hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc gần như thống trị công tác đấu thầu trong một số lĩnh vực quan yếu của Việt Nam. Thực trạng này có làm hoạt động nhập khẩu của Việt Nam trở nên tiêu cực?

PCD : Chứng minh rõ ràng nhất, tuy có thể chưa đầy đủ, là dựa vào một khảo sát của Viện Nghiên cứu Cơ khí ở Việt Nam. Trong suốt giai đoạn 2003-2013, Trung Quốc đã thống trị nhóm sản phẩm ở 4 trong 5 ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bauxite, và sàng tuyển than tại Việt Nam. Hệ quả là mỗi năm, Việt Nam phải nai lưng nhập khẩu đến 10 tỉ đô la Mỹ cho nhóm sản phẩm máy và thiết bị đồng bộ, trong khi tỉ lệ nội địa hóa là cực kỳ thấp.

Chẳng hạn như các dự án ximăng áp dụng cơ chế EPC (tức nhà thầu thực hiện toàn bộ công việc từ thiết kế, cung cấp máy móc, thiết bị đến thi công xây dựng, vận hành chạy thử rồi bàn giao). Đây chính là những dự án do Trung Quốc làm tổng thầu có tỉ lệ nội địa hóa 0%. Trong khi theo Viện Nghiên cứu Cơ khí thì về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có thể thiết kế, chế tạo trong nước tới 40% giá trị thiết bị của các nhà máy này.

Hay với ngành công nghiệp nhiệt điện đốt than, trong 20 dự án đã và đang đầu tư, có tới 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC cũng với tỉ lệ nội địa hóa 0%.

Hoặc hai dự án công nghiệp nhôm và bauxite hiện nay đều do Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỉ lệ nội địa hóa chỉ vỏn vẹn 2%. Viện Nghiên cứu Cơ khí trích dẫn Công ty Hatch của Úc cho rằng, Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, chế tạo trong nước để đáp ứng 50% thiết bị trong ngành này.

Hiện tại, cả nước có ba nhà máy tuyển than, thì cả ba nhà máy này đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, dù Việt Nam có thể hoàn toàn nội địa hóa được 50-70% giá trị thiết bị…

RFI : Làm sao mà tổng thầu EPC rơi vào tay người Trung Quốc quá nhiều như thế?

PCD : Lý giải về câu chuyện khó nói này, có thể thấy là nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, từ đó tạo ưu thế cho Trung Quốc đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính thị trường của họ. Thậm chí tôi cho rằng nếu phía Trung Quốc không “chủ động gợi ý” thì một số doanh nghiệp Việt Nam cũng quá hiểu là doanh nghiệp Trung Quốc có chế độ bao thư phong bì thuộc loại nặng nhất thế giới.

Về mặt kỹ thuật, Luật Đấu thầu Việt Nam chỉ ưu tiên giá rẻ mà không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỉ lệ nội địa hóa, do vậy hầu hết các dự án rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó, các nhà máy chế tạo của Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ.

Tình cảnh đáng nói là hiện nay Trung Quốc là nhà thầu lớn nhất của Việt Nam. Các gói thầu EPC do Trung Quốc thắng trong suốt 10 năm qua đã góp phần làm gia tăng nhanh chóng nhập siêu từ Trung Quốc.

RFI : Các cơ quan hữu quan của Việt Nam có giải pháp nào để khắc phục cả một “thập kỷ mất mát” ấy?

PCD : Thực ra người dân Việt Nam đã nghe quá nhiều giải pháp của quan chức Việt Nam. Còn bây giờ thì một lần nữa, giới quan chức này lại nêu ra quan điểm là đã đến lúc phải đa dạng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước và cải cách ngành thương mại. Có lẽ bây giờ họ mới nhận ra rằng công nghiệp phụ trợ “của chúng ta” còn kém, thành ra phải nhập nhiều linh kiện, máy móc từ Trung Quốc, nên phải đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước. Một quan chức còn hứa hẹn là nếu làm đúng như vậy, tối thiểu trong 2-3 năm, còn tối đa là 5 năm là có thể giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế.

Một quan điểm “hướng Tây” thì cho rằng cần “xoay trục” sang phát triển công nghiệp phụ trợ từ sự hỗ trợ của Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo tôi, đáng lẽ vấn đề này đã phải thực hiện từ hàng chục năm trước, còn bây giờ thì đã quá muộn vì cái gọi là “công nghiệp phụ trợ” của Việt Nam đã phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc.

RFI : Trong một chỉ thị vào tháng 6/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu thay vì lệ thuộc vào một nền kinh tế cụ thể. Đó là nền kinh tế nào vậy?

PCD : Làm sao có thể nghĩ gì khác hơn ngoài Trung Quốc?

RFI : Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng tuyên bố “sẽ không lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc”. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu vẫn rất lớn ?

PCD : Có một thực tế : lĩnh vực xây dựng là không gian thông thoáng cho các cuộc đấu thầu mang tiếng là nhiều khuất tất, qua đó các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia trên các lĩnh vực xây dựng, năng lượng. Từ ngữ “lại quả” được du nhập vào Việt Nam chính là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lại quả đến độ bất chấp nhiều công trình của Trung Quốc luôn bị đội vốn, kéo dài thời gian và công nghệ lạc hậu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhắm mắt chấp nhận.

Chỉ đến gần đây một chuyên gia phản biện mới hơi can đảm khi ẩn dụ trên mặt báo nhà nước: “Việc đánh giá thực trạng thương mại Việt – Trung theo tôi không quan trọng bằng việc nhìn thẳng vào thực tế ai được lợi từ các hoạt động kinh tế”.

RFI : Theo anh thì ai được lợi?

PCD : Chúng ta hãy lấy một trong những ví dụ tiêu biểu nhất và liên đới đậm đà nhất với Trung Quốc là trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Mới đây, một tờ báo của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có tên là Đất Việt, và cũng là một trong những xung kích phản biện trong hệ thống truyền thông nhà nước, đã cùng với GS TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội – hé lộ một “bí mật quốc gia”: từ nhiều năm qua, EVN đã mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến ba lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam.

Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009.

Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn. Nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe, cho dù nhiều doanh nghiệp sản xuất điện của Việt Nam sẵn sàng chịu lỗ để hòa lưới điện.

Trong khi đó theo Viện Nghiên cứu Cơ khí, Việt Nam đủ năng lực làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa thành công đạt 30% về thủy điện. Minh chứng là đến nay, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủ công cho 30 nhà máy thủy điện bao gồm Sơn La, Lai Châu với tỉ lệ nội địa hóa đến 90%.

Song rất tiếc là tất cả cố gắng của doanh nghiệp Việt Nam đã bị một nhóm lợi ích và có thể cả một nhóm làm chính sách nào đó chặn đứng. Cuối cùng vẫn chẳng ai giải tỏa được mối nghi ngờ về sự hiện diện quá lớn của Trung Quốc trong ngành điện Việt Nam. Hoặc lý giải chuyện thiết bị Trung Quốc vốn bị coi là chất lượng kém, bãi rác công nghệ của thế giới nhưng vẫn tràn vào Việt Nam…

RFI : Vậy cuối cùng phải làm gì để thoát Trung?

PCD : Tôi lại xin nhường lời cho Ông Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển. Vị chuyên gia này đã nói thẳng là với tình trạng độc quyền như EVN hiện nay và thiếu minh bạch trong kinh doanh trên thị trường điện ở Việt Nam, trách nhiệm trong việc này trước hết là do chính cơ chế quản lý kiểu bộ chủ quản lâu nay không được thay đổi. Tiếp đó là các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành điện, mà cụ thể là Bộ Công thương và cả EVN trong tổ chức và quản lý điện Việt Nam. Mấu chốt của vấn đề phải là nhanh chóng xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN, chấm dứt tình trạng một tay nắm cả mua bán, phân phối, điều độ…

Cứ cho là Chính phủ Việt Nam có một phần thật tâm muốn giảm sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhưng khuất tất lớn nhất là họ còn bị ràng buộc quá nhiều bởi các nhóm lợi ích như EVN. Còn những nhóm lợi ích này lại bị quy chiếu bởi Trung Quốc, từ những ích lợi hết sức mờ ám đến chủ nghĩa độc quyền và chủ nghĩa cực quyền. Do vậy chẳng có gì khó hiểu khi đã chưa hề, và có lẽ sẽ chẳng có nổi một động tác kiên quyết nào để đáp trả lại sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cuối cùng, chúng ta thấy rằng muốn chống ngoại xâm thì có lẽ việc đầu tiên phải là chống nội xâm. Không thể thoát Trung nếu không giải quyết bài toán thanh loại những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”.

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ về vấn đề vì sao kinh tế Việt Nam quá khó khăn khi muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thụy My

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét