Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

GIẬT MÌNH VỚI "6 KHÔNG"!

Lê Thanh Phong - nguoilaodong
16-6-2014

Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng - ông Bùi Trung Dung - cho biết cơ quan này đã có tổng kết đánh giá các công trình xây dựng từ nguồn vốn nhà nước có gói thầu do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.


Tổng kết, đánh giá tóm gọn: “6 không”.

6 không đó là: Không có việc huy động nguồn lực lao động chuyên gia có trình độ cao; huy động lao động có tay nghề cao cũng không đạt mục tiêu; huy động lao động phổ thông Trung Quốc vượt quá nhiều lần so với yêu cầu; không có việc huy động công nghệ cao, công nghệ mới; các gói thầu đều không đạt tiến độ khi đăng ký xin phép thầu; cam kết huy động thiết bị hiện đại cũng không có, chủ yếu là có sẵn trong nước hoặc trong nước còn tốt hơn.

Đọc xong “6 không” thấy giật mình vì quá vô lý. Bởi vì, cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao, công nghệ mới, chuyên gia có trình độ cao, thiết bị hiện đại mà doanh nghiệp trong nước không đủ sức đáp ứng. Thế nhưng, Việt Nam lại giao thầu cho Trung Quốc để họ ôm các loại thiết bị và công nghệ cũ kỹ, lạc hậu sang thực hiện các công trình xây dựng “hiện đại” cho Việt Nam.

Đọc xong “6 không” lại thấy toát mồ hôi. Bởi vì, với công nghệ lạc hậu, thiết bị tân trang hoặc hàng nhái thì khó có thể tin rằng các công trình xây dựng giao thông, thủy điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đảm bảo chất lượng. Đến khi công trình bị sự cố gây hậu quả nghiêm trọng thì các nhà thầu đã “quất ngựa truy phong” cùng với bó bạc về xứ bắc rồi.

Có điều đáng tiếc, việc công khai “6 không” này chỉ có sau khi có thông tin Chính phủ Trung Quốc cấm doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tham gia dự thầu tại Việt Nam. Nhiều nhà quản lý của ta còn khẳng định, nhà thầu Trung Quốc rút chẳng có gì lo ngại mà ngược lại, chất lượng các công trình xây dựng Việt Nam sẽ tốt hơn và chúng ta không bị mất việc làm, lợi nhuận không bị chảy ra nước ngoài.

Đã đành là vậy, nhưng cũng lại tiếc vì tại sao đến bây giờ các nhà quản lý mới nói về “6 không” của nhà thầu Trung Quốc. Nếu việc này công bố sớm hơn, thì rất có thể các nhà thầu trong nước hoặc đối tác khác khi thắng thầu thực hiện thì chất lượng công trình xây dựng Việt Nam sẽ tốt hơn mà lâu nay vẫn để cho Trung Quốc thắng thầu?

Nếu như không có sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và việc Chính phủ Trung Quốc cấm nhà thầu của họ tham gia vào thị trường Việt Nam thì có lẽ các nhà quản lý chưa chắc đã công bố công khai những thông tin này. Và như vậy thì các nhà thầu Trung Quốc tiếp tục tung hoành trên đất nước này như họ đã từng làm bao nhiêu năm qua.

Lê Thanh Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét