Thanh Hà -RFI
10-7-2014
(SGĐT) - Các quốc gia đã từng trải qua khẩu hiệu “Vĩ Đại” đều có nét cốt lõi giống nhau, ở phía đằng sau của sự nhân danh. Xem ra, 'bầy chuột" ở Bắc Kinh còn kinh hơn “cái lòng đỏ của miếng ốp-lết” ở Hà nội .
Le Figaro hôm nay (10/07/2014) đã có bài độc đáo nói về số phận của « Bầy chuột » sống dưới lòng đất thủ đô Bắc Kinh.
Một gia đình sống dưới lòng đất thủ đô Bắc Kinh
« Bầy chuột » được Le Figaro nói tới là những thành phần lao động nhập cư Trung Quốc, từ nông thôn lên thành thị kiếm sống. Ngay tại thủ đô Bắc Kinh, gần một triệu con người sống chui nhủi dưới hầm các khu cao ốc sang trọng, hay họ sống trong những ống cống chật hẹp, ẩm ướt và hôi hám. Ánh sáng mặt trời là một thứ xa xỉ phẩm họ không hề được biết tới.
Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với « bầy chuột » đó là khi ống cống bị ngập nước vào mùa mưa. Cuộc sống chui nhủi dưới mặt đất đó đang đem lại nhiều hậu quả tai hại. Nhiều người bị suy nhược thần kinh, mắc chứng bệnh trầm cảm. Một số khác thì bị bệnh ngoài da và đường hô hấp.
Bắc Kinh có 25 triệu dân cư, trong số ấy, từ 6 đến 7 triệu người từ bỏ làng quê, gia đình, lên thành phố kiếm sống. Họ thường bị bóc lột và bị xếp vào thành phần « công dân hạng hai ». Phóng viên báo Le Figaro đã gặp được một vài trường hợp. Như là một cặp vợ chồng, sống cùng một đứa con nhỏ trong một cái hầm 10 mét vuông. Cặp vợ chồng này may mắn hơn những người cùng cảnh ngộ rất nhiều cho dù để được quyền sử dụng 10 mét vuông đó, họ phải trả thêm cho chủ 100 nhân dân tệ hàng tháng.
Một người mẹ trẻ khác sống với đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi nói với phóng viên Pháp : cô hy sinh để gửi tiền về quê cho gia đình, nhưng không biết tới bao giờ mới được sống trên mặt đất, hít thở không khí và trông thấy ánh sáng mặt trời như những con người có cuộc sống bình thường.
Năm ngoái, báo chí Trung Quốc đã gây xôn xao trong dư luận trước hoàn cảnh của một thiếu phụ chấp nhận sống trong ống cống, để tiết kiệm tiền nuôi con ăn học. Và thế là lập tức, các giới chức ở thủ đô Bắc Kinh đã ra lệnh « tống » những « bầy chuột » về quê, tránh để làm xấu đi hình ảnh một thành phố tráng lệ và phồn thịnh như thủ đô Trung Quốc !
Trả lời báo Le Figaro, nhà xã hội học giảng dậy tại đại học Bắc Kinh, Lục Tuệ Lâm (Lu Huilin) cho rằng những thành phần lao động nhập cư bị người dân thành phố miệt thị thường làm những công việc như phục vụ nhà hàng, gác gian hay giao hàng. Nhưng nếu không có sự đóng góp của họ, nhiều hoạt động kinh tế ở Bắc Kinh sẽ bị tê liệt và thủ đô Trung Quốc không thể được thịnh vượng như ngày nay.
Bầu cử Indonesia chưa phân thắng bại
Cũng về châu Á, nhiều tờ báo trong ngày đều nhìn về Indonesia, nơi cả hai ứng cử viên tổng thống đều tuyên bố đã đắc cử. Le Monde nói tới một sự « bế tắc chính trị » sau bầu cử.
Theo thăm dò dư luận, đảng đối lập PDI-P của đô trưởng Jakarta, ông Joko Widodo về đầu. Ứng cử viên được mệnh danh là « người của nhân dân » dường như đã qua mặt cựu tướng Prabowo Subianto. Báo Les Echos nhắc lại, kết quả chính thức sẽ chỉ được công bố vào ngày 21/07/2014, nhưng : « Tại một nền dân chủ còn non trẻ như Indonesia, đây lần đầu tiên người dân được chọn tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu (…) ». Do vậy tờ báo này tin là cử tri Indonesia chọn một người lãnh đạo tùy thuộc vào cảm tình đối với một ứng cử viên hơn là bầu cho một đảng phái chính trị. Cử tri dưới 30 tuổi và sống ở thành phố, có khuynh hướng dồn phiếu cho ông Joko Widodo. Đối thủ của ông Widodo là tướng Subianto thì được sự ủng hộ của tầng lớp lớn tuổi và còn hoài niệm về những năm tháng dưới chế độ Suharto (1967-1988). Ông này từng là con rể của nhà cựu độc tài Suharto.
Bài báo trên La Croix khá thú vị khi trình bày về những quan hệ chồng chéo giữa các doanh nhân và giới chính trị gia tại Indonesia. Cựu tướng Subianto có được những điểm tựa tài chính quý giá như chính người em trai của ông. Ông ta là chủ nhân tập đoàn Arsari, hoạt động trong các lĩnh vực từ ngân hàng đến khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo … Hậu thuẫn thứ nhì quan trọng của ông Subianto là nhà chủ tịch đảng Golka, ông Aburizal Bakrie. Bakrie là một ông trùng kiểm soát từ ngành truyền thông đến công nghiệp thực phẩm.
Trong khi đó ông Widodo, xuất thân là một nhà cung cấp trang trí nội thất. Không có vây cánh như Subianto, nhưng đô trưởng Jakarta cũng có những điểm tựa quý giá. Trong số đó phải kể tới ứng cử viên vào chức vụ phó tổng thống, Jusuf Kalla, một doanh nhân hàng đầu của Indonesia.
La Croix đưa ra kết luận : kể từ khi nhà cựu độc tài Suharto lên cầm quyền năm 1967, đời sống chính trị của Indonesia được gắn liền với các hoạt động kinh tế của đất nước. Nạn tham nhũng qua đó đã không ngừng phát triển.
Cận Đông trước đe dọa chiến tranh
Về thời sự nóng bỏng tại Cận Đông, phóng sự của Libération cho thấy, ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Israel, khi trời xẩm tối, người dân rút hết vào trong nhà. Đạn pháo roket rơi nhiều hơn. Hầu như các hiệu ăn đều vắng bóng người, các chương trình nghệ thuật đều bị hủy bỏ. Phần lớn trong dư luận Israel muốn quân đội can thiệp vào dải Gaza, trong lúc chính quyền Tel Aviv thì đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa mang tên « Iron Dome – vòm thép » để chống đỡ trước các trận mưa rocket của quân Hamas.
Cả Libération lẫn Le Figaro cùng quan tâm trước việc tổ chức Hamas ngày này đã nắm trong tay một khối lượng đầu đạn và tên lửa quan trọng. Le Figaro nhắc lại trong những ngày qua, tổ chức Hồi giáo Palestine, Hamas đã sử dụng những loại tên lửa như R-160, M-75 … với tầm bắn từ 80 đến 160 cây số. Đó là những loại vũ khí tối tân, khác hẳn so với những quả đạn pháo roket cổ lỗ Qassam của thời kỳ những năm đầu thập kỷ 2000. Theo thẩm định của cơ quan an ninh Israel, hiện nay phe Hamas hiện đang nắm giữ khoảng hơn 10 ngàn đầu đạn, tên lửa và roket. Trong đó có loại tên lủa địa đối điạ R-160 và nhất là nhiều loại tên lửa được chế tạo từ Iran và từ Trung Quốc.
Cũng Le Figaro trong bài báo dài 2 trang chạy tựa lớn « Israel nghiên cứu kịch bản tấn công trên bộ dải Gaza ». Tác giả nhận định Tel Aviv và tổ chức Hồi giáo Hamas Palestine đã tiến tới « điểm không thể đảo ngược » Căng thẳng đã leo thang tột độ và cả đôi bên không còn làm chủ tình hình. Hamas đang dọa tấn công tất cả các thành phố lớn của Israel. Đe dọa đó không chỉ là lời nói suông, khi biết rằng, hôm qua tổ chức Hồi giáo Palestine này, lần đầu tiên đã bắn thành công tên lửa có tầm bắn 160 km.
Cúp bóng đá thế giới Brazil : Kẻ khóc, người cười
Trở lại với phần trang thể thao, tất cả các tờ báo đều chú ý tới Cúp bóng đá thế giới nhưng không mấy ai bình luận về trận bán kết thứ nhì vừa diễn ra đêm qua, với kết quả là Achentina dành được chiếc vé vào chung kết. Tất cả các bài viết đều tập trung về « thất bại lịch sử » của đội tuyển Brazil, bị Đức loại khói cuộc chơi với tỷ số nhục nhã là 7-1. Libération đăng ảnh một cổ động viên, mặt sơn màu cờ của Brazil bên cạnh hàng chữ : « Brazil nỗi buồn khôn nguôi ». Le Figaro phân tích cặn kẽ « những nguyên nhân của một trận thua lịch sử » :
Theo tác giả bài báo, xứ sở của bộ môn bóng đá đang phải đương đầu với những thách thức lớn như là : các câu lạc bộ bóng đá không còn nhựa sống. Đại đa số các nhân tài đều là những cầu thủ đi đấu thuê cho các quốc gia khác. Brazil là một trường đào tạo giỏi, nhưng một khi các cầu thủ thành tài thì lại chạy theo danh vọng, tiền tài, đi đầu quân cho các đội tuyển quốc tế, bỏ trơ trụi nền bóng đá của quê nhà.
Le Figaro chốt lại : trong 20 năm qua, Brazil đã trở thành lò đào tạo để lập nên vinh quang cho các đội bóng của châu Âu. Vì vậy mà những gì tinh túy nhất trong nghệ thuật bóng đá Brazil đã bị bốc hơi. Ngoài ra, vẫn theo Le Figaro, thất bại của đội bóng Brazil nằm ở chỗ đội Seleçao không có một sức mạnh tập thể mà chỉ trông chờ ở một vài ngôi sao như Neymar.
Không may cho Brazil là tiền đạo này đã bị trọng thương. Đội tuyển Brazil không biết trông chờ vào ai để đáp lại tấm lòng và chờ đợi của hơn 200 triệu người hâm mộ Brazil. Libération bồi thêm : Brazil thua là phải khi biết rằng, đấy chỉ còn là một phiên bản nhạt mờ của các câu lạc bộ lắm tiền của châu Âu. Trường phái bóng đá Brazil thì đã bán mất linh hồn.
Dù sao đi chăng nữa, thất bại ê chề và nhục nhã của các chú lính áo vàng cũng đã khiến dư luận Brazil lạnh nhạt với đội tuyển Seleçao.
Trong khi đó thì đội tuyển Đức bình thản chuẩn bị cho trận chung kết vào tối chủ nhật tới trước Achentina. Le Figaro dành cho đội Nationalemannschaft những lời khen như là : « Hơn hẳn đối thủ về mọi mặt ». Giải thích về thành công vượt bực của đội nhà, tiền vệ Miroslav Klose cho rằng bí quyết thành công của đội Đức chính là « sự hài hòa, đoàn kết giữa các động đội ».
La Croix ngay trên trang nhất đăng ảnh các cổ động viên Đức rạng rỡ đón mừng chiến thắng, ở bên trên là hàng tựa lớn « Vì sao Đức làm gì cũng thành công ». Người đọc cảm nhận thấy trong sự thán phục, có một thoáng ganh tị. Ở trang trong tờ báo châm biếm với bức hý họa cho thấy khung thành của thủ môn Brazil đầy bóng.
Tác giả bài báo viết : không chỉ là đầu tàu kinh tế và chính trị của châu Âu, Đức còn đang ngự trị cả trên thế giới bóng đá. La Croix nhấn mạnh : thành quả mà đội tuyển Đức đang gặt hái được hôm nay, đã được gieo mầm từ những thất bại hồi năm 2000. Sự kỳ diệu của nước Đức là ở chỗ quốc gia này luôn bật dậy từ những thất bại chua cay để tìm đường đi đến thành công. Từ lĩnh vực giáo dục đến kinh tế, nước Đức luôn tỏ ra hết sức thực tiễn và luôn điều chỉnh thể thức vận hành vì quyền lợi của người dân và sau cùng, chính người Đức được hưởng lợi hơn cả.
Festival Francofolies : 30 năm vinh danh âm nhạc khối Pháp ngữ
Sự kiện văn hóa trong ngày là đêm khai mạc liên hoan ca nhạc Francofolies tại thành phố ven biển La Rochelle, miền tây nước Pháp. Le Figaro chạy tựa « 30 năm vinh danh dòng nhạc Pháp ».
L'Humanité nhấn mạnh trong 30 năm hoạt động, Francofolies luôn là bệ phóng đưa âm nhạc Pháp, đưa những nghệ sĩ sáng tác bằng ngôn ngữ của Molière, đến với đại chúng. Tờ báo mệnh coi liên hoan này là « một trong những điểm hẹn đẹp nhất của thế giới ca nhạc trong mùa hè ».
Năm nay, liên hoan tròn 30 tuổi và ban tổ chức đã mời 30 nghệ sĩ trình diễn 30 bài ca để đánh dấu sự kiện trọng đại này. Trong số các nghệ sĩ được mời tham dự chương trình năm nay, phải kể đến những cây đại thụ trong làng ca nhạc Pháp thuộc nhiều thế hệ khác nhau như cặp bài trùng Alain Souchon- Laurent Voulzy, Catherine Ringer, Thomas Dutronc, Christophe Willem hay nữ ca sĩ Nolwenn Leroy.
Hai giọng hát đến từ vương quốc Bỉ có mặt trong mùa liên hoan 2014 là Maurane, người đã đứng vững trên sân khấu từ nhiều thập niên qua vnữ danh ca đã thành danh lâu nay và « hiện tượng » vừa xuất hiện trên bầu trời nghệ thuật : Stromae, với vóc dáng gầy gò và dong dỏng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét