13-10-2014
Trần Khải
Một cuốn phim hay phải là một cuốn phim nói lên được niềm hy vọng của nhân loại... Câu nói có từ lâu đó, không nhớ khởi xuất từ ai, bây giờ được nghe lại từ ước mơ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou).
Họ Trương nói rằng ông muốn nói về niềm hy vọng “không thể dập tắt” của nhân loại xuyên qua “Về Nhà” (Coming Home), cuốn phim mới nhất của ông về một tình yêu chờ đợi lâu dài.
Trong phim sẽ có nữ tài tử Củng Lợi (Gong Li), phim kể về một cặp vợ chồng yêu thương nhau, rồi bị chia cách khi người chồng bị đẩy vào một trại lao động vì các suy nghĩ thiên hữu của anh trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa, một thời kỳ đầy biến động chính trị tại Trung Quốc trong các thập niên 1960s và 1970s.
Khi cuộc “cách mạng” kết thúc, người chồng được thả ra, và anh trở về nhà, nhưng người vợ không nhận ra anh nữa vì cô bị mất trí nhớ khi trải qua những khủng hoảng vùi dập nhiều năm qua và cũng vì những nỗi nhớ chồng tuyệt vọng khi chờ đợi.
Người chồng mới tìm cách giúp vợ nhớ lại quá khứ của cô và xây dựng lại gia đình đã tan vỡ của anh.
Trương Nghệ Mưu nói với các phóng viên trong buổi chiếu ra mắt ở Đại Hội Phim Quốc Tế Busan lần thứ 19 rằng đây là chuyện về sự chờ đợi, “Tôi muốn kể về một chuyện về niềm hy vọng không thể tắt của nhân loại đặt trong một thực tại rất mực gian nan và tội nghiệp.”
Phim này phóng tác từ tiểu thuyết “The Criminal Lu Yanshi” của tiểu thuyết gia Yan Geling, một nhà văn cư ngụ tại Hoa Kỳ.
Phim “Về Nhà” chiếu ra mắt trong Đại Hội Cannes năm nay, và cũng chiếu ở Đại Hội Phim Busan từ ngày 2 tới 11 tháng 10-2014.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng một thời có nhiều phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc, như các phim đầu tay của ông – “Red Sorghum,” “Raise the Red Lantern” và “To Live” – và rồi được chính phủ đón nhận tung hô trong phim (được hiểu là ủng hộ nhà nước tập quyền cộng sản) có tên là “Anh Hùng” (Hero), trong đó nói về sự cần thiết của nhà độc tài Tần Vương để thống nhất đất nước Trung Quốc, rồi các phim “House of Flying Daggers” và phim “Flowers of War”...
Họ Trương cũng được chính phủ TQ mời dàn dựng lễ khai mạc Thế Vận Bắc Kinh 2008.
Bây giờ, Trương đang quay phim “Great Wall” (Vạn Lý Trường Thành), một cuốn phim được biết là tốn kém lớn với chủ đề về những lý do huyền bí, vì sao Vạn Lý Trường Thành đươc xây dựng ở Trung Quốc.
Ông nói, “Tôi có mong đợi lớn cho phim này, bởi vì phim nào tôi làm tôi vẫn luôn luôn nghĩ điều quan trọng là kể lại những đặc điểm độc đáo của văn hóa Trung Quốc trong đó.”
Khi được hỏi rằng ông có muốn trở về làm các phim nghệ thuật (như thời ban đầu bị nhà nước cấm), nhà đạo diễn 62 tuổi tránh đưa câu trả lời trực tiếp, “Tôi bản thân mình ưa thích phương pháp và những công trình cho phép tôi nhìn sâu thẳm vào tâm hồn con người trong một cách lặng lẽ.”
Phim Việt Nam tới đâu, thành tựu những gì?
Cốt truyện phim “Về Nhà” nghe như rất gần với nhiều ngàn cảnh đời tại Việt Nam, khi hàng trăm ngàn người Miền Nam bị đẩy vào trại lao động cải tạo, khi nhiều triệu gia đình tan vỡ trong rất nhiều thời kỳ biến động của Cải Cách Ruộng Đất, khi cán bộ Đảng Cộng sản truy sát người Đệ Tứ Quốc Tế và rồi truy sát các đảng viên Đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng...
Vẫn chưa có một phim nào dám nói về những thời nhạy cảm tại Việt Nam.
Việt Nam cần những đaọ diễn như Trương Nghệ Mưu, dám mở lại các hồ sơ lớn đầy đau đớn của lịch sử.
Dân tộc Việt Nam đang cần các đaọ diễn dám nói về niềm hy vọng không thể dập tắt của con người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét