16-10-2014
Những người trẻ tuổi của Hồng Kông có cùng một số đặc điểm của những tầng lớp thanh niên ở các lục địa khác: đấy là một thế hệ, được công cuộc dân chủ hóa đưa lên trình độ giáo dục đại học, gặp một cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa và họ tố cáo một cách căn bản lối quản lý (xã hội) về chính trị. Đấy là một cơn sóng ngầm. Sự nối tiếp của những phong trào xã hội nảy sinh trong những năm gần đây, dường như bùng cháy lên và tắt đi tùy theo bối cảnh chính trị, có một điểm chung là nó cật vấn sâu sắc về vị trí của con người trong hành trình của các xã hội chúng ta.
Ở HỒNG KÔNG, NHỮNG NGƯỜI BIỂU TÌNH TỐ CÁO MỘT HÌNH THỨC BẤT LỰC CÔNG
Laure Belot thực hiện
Nguyên Ngọc dịch
Le Monde phỏng vấn nhà xã hội học Cécile Van de Velde, chuyên gia về tuổi trẻ của Trường Cao học khoa học Xã hội
LE MONDE – Bà đã nghiên cứu phong trào của “những người bất bình”, phong trào “Mùa xuân cây thích” (của sinh viên Québec – Canada năm 2012), phong trào ở Chilê và bà lại vừa trải qua một tuần ở Hồng Kông để nghiên cứu. Bà nhận thấy “cuộc cách mạng dù” này như thế nào?
CÉCILE VAN DE VELDE – Điều gây ấn tượng khi đến nơi là một cảm giác vật lý kỳ lạ, gắn với một sự xáo trộn vị trí của con người trong thành phố: ta thấy mình đi trên một đại lộ mênh mông, dưới chân những tòa nhà chọc trời của HSBC và của Ngân hàng Trung Quốc, giữa một đám đông những người đang ngồi và gần như im lặng. Đây là một phong trào “chiếm lĩnh” các quảng trường như tôi đã có thể quan sát những năm gần đây ở Phương Tây, nhưng nơi chốn và thách thức khiến cho ở đây đậm tính biểu tượng. Trong sự ngưng hoãn của thời gian này, sự “hiện diện” tập thể được cảm nhận như là một kháng cự. Bởi vì một trong những động cơ sâu xa của phong trào này đương nhiên là dân chủ, nhưng cũng còn là chủ quyền: tìm lại quyền tự chi phối đối với số phận cá nhân, xã hội và tập thể, đối mặt với điều được cảm nhận sâu sắc là một sự tước quyền.
Sự hiện diện thường trực của những quy chiếu quốc tế cũng rất nổi bật. Từ bài hát La Marseillaise, được dịch ra tiếng Trung và trưng ở một lối vào tòa nhà của chính quyền hành chánh, đến khẩu hiệu “We are not alone” của Michael Jackson hay “You may say, I’am a dreamer” của John Lennon …
Những quy chiếu đến “mùa xuân Praha” gặp những trích dẫn lời của Elie Wiesel hay của Nelson Mandela và được cảm nhận như những cảm hứng và những chỗ dựa. Nhưng qua các cuộc trò chuyện với những người biểu tình, tôi nhận ra rằng sự biểu lộ đó hơi có màu sắc thất vọng. Tự trong chiều sâu của chính mình rất nhiều người biết rằng họ sẽ không dễ đạt được những gì họ đòi hỏi, nhưng họ cần phải biểu đạt ra những điều đó, và họ đã làm như vậy.
L.M. Bà liên hệ cuộc biểu tình này với các cuộc khác mà bà đã nghiên cứu như thế nào ?
C.V. D V. Đương nhiên phong trào này gắn liền với những thách thức địa chính trị riêng và không tách rời những quan hệ phức tạp giữa Hồng Kông với Trung Quốc. Nhưng cũng phải đọc thấy ở đây sự trổi dậy của một thế hệ trẻ vừa có bằng cấp (đại học), mang tính phê phán, hướng đến những lý tưởng dân chủ, kết nối với những mạng lưới xã hội, và đòi hỏi quyền có một tiếng nói bình đẳng. Những người trẻ tuổi của Hồng Kông có cùng một số đặc điểm của những tầng lớp thanh niên ở các lục địa khác: đấy là một thế hệ, được công cuộc dân chủ hóa đưa lên trình độ giáo dục đại học, gặp một cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa và họ tố cáo một cách căn bản lối quản lý (xã hội) về chính trị. Đấy là một cơn sóng ngầm. Sự nối tiếp của những phong trào xã hội nảy sinh trong những năm gần đây, dường như bùng cháy lên và tắt đi tùy theo bối cảnh chính trị, có một điểm chung là nó cật vấn sâu sắc về vị trí của con người trong hành trình của các xã hội chúng ta.
L.M. Bà nói đến một thế hệ mới của các phong trào xã hội. Tại sao vậy?
C.V. D.V. Dù đây mới chỉ là những phân tích đầu tiên, tôi tin rằng không nên tự đóng kín mình lại trong huyền thoại phương Tây về một châu Á khác biệt một cách không thể khắc phục, và so sánh phong trào này chỉ duy nhất với sự kiện Thiên An Môn. Phong trào này đặt dựa trên một cuộc xét lại tổng quát và xuyên suốt đối với việc quản lý (thế giới) những thập niên gần đây. Ở Hồng Kông những khẩu hiệu được trưng lên, do cảnh giác, không cho thấy và không nói lên tất cả, nhưng trong những cuộc trò chuyện mà tôi đã thực hiện, có thể cảm nhận có một sự tố cáo rất mạnh mẽ chính quyền tại chỗ và sự thông đồng của nó với các thế lực tài chính. Những người trò chuyện với tôi đã gợi lên một cách hết sức cụ thể những triển vọng đã bị thu hẹp một cách tàn bạo và một nhu cầu tái chiếm lĩnh của số phận tập thể. Cảm giác sẩm tối ấy vừa liên quan đến những vấn đề rộng lớn về nhà ở, về những khó khăn ngày càng tăng trong việc đi ra nước ngoài, về tiền lương không đủ để xây dựng một đời sống tự chủ và một gia đình. Cái cảm giác về một bức trần bằng thủy tinh ngăn chắn bên trên ấy cộng hưởng với một cảm giác về tình trạng vô trách nhiệm, thậm chí là phản bội, của quyền lực chính trị: một trong những động lực sâu xa nhất của phong trào là tố cáo một hình thức bất lực công. Dù nó được định hình bởi thách thức của (mục tiêu) dân chủ và tình trạng thuộc về Trung Quốc, thì sự tố cáo này vẫn được vang lên trong những diễn từ có tính phổ quát có thể được những xã hội khác nghe thấy.
L.M. Theo bà, đây có phải là biểu hiện của một hiện tượng có tính tổng quát và toàn cầu?
C.V. D.V. Phần nào đó là như vậy. Những phong trào của tuổi trẻ chúng ta được chứng kiến trong những năm gần đây có thể coi là phần nổi của núi băng. Nó được sinh ra trong đà đi lên của một thế hệ trước đây chưa từng bao giờ được học hành có bằng cấp như thế, nhưng lại bị quất mạnh vào mặt bởi cơn “khủng hoảng” kinh tế, chính trị, môi trường. Song thế hệ ấy cùng lúc lại gánh vác mệnh lệnh phải “xây dựng cuộc đời của mình” ở cấp độ cá nhân, và những khát vọng dân chủ mảnh liệt ở cấp độ tập thể.
Chân trời của họ bị đóng lại và đã nảy sinh một sự căng thẳng căn bản giữa ham muốn tự trị của họ và những sức ép kinh tế hay chính trị khiến cho khát vọng ấy thật khó khăn. Những người trẻ tuổi này tố cáo sự rạn nứt giữa thế giới chính trị-tài chính với tuổi trẻ. Họ muốn đoạt lại quyền quản trị cuộc đời họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét