Theo RFA
24-10-2014
Nam Nguyen, phóng viên RFA
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, người ca ngợi kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại một lần nữa kêu gọi nhà nước thực hiện cải cách. Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, theo VnExpress tại phiên họp Tổ ở Quốc hội ngày 21/10/2014, ông Bùi Quang Vinh khẳng định “đến thời điểm hiện tại nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực để phát triển và Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển.”
Động lực đổi mới
Phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh làm rõ hơn nhu cầu cải cách đổi mới ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thì sẽ phải thực hiện cuộc đổi mới lần thứ hai trong lịch sử.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
“Theo tôi, công cuộc đổi mới sắp tới đây sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ hơn của phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước vì nó liên quan đến việc phải thay đổi thể chế, bộ máy Nhà nước, chống được tham nhũng, thay đổi được vai trò và chức năng của Nhà nước. Hiện nay, các chuyên gia đều xem xét tính toán thấy rằng Việt Nam đến năm 2020 không thể đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và đấy là một điều lỡ hẹn nữa đối với chính các kế hoạch mà Việt Nam đề ra, điều này, rõ ràng là nền kinh tế VN tăng trưởng dưới tiềm năng và chậm hơn nhiều so với các nền kinh tế trong khu vực.”
Việt Nam thống nhất năm 1976, trong một thập niên tiếp theo nền kinh tế đất nước rơi vào ngõ cụt đe dọa sự tồn vong của chế độ toàn trị. Lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tiến hành đổi mới và tạo ra các động lực chưa từng có để vực dậy nền kinh tế. Ông Lê Văn Triết nguyên Bộ trưởng Thương mại phân tích về những động lực để phát triển trong thời kỳ đổi mới 1986-1989.