Hạ Mai - viet-studies
Sự thay đổi Ban lãnh đạo trong điện Kremlin sau cái chết của I.V.Stalin (5-3-1953) - một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ XX, đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây nghĩ đến khả năng giảm bớt căng thẳng quốc tế. Hy vọng đó được thể hiện trong bài phát biểu nổi tiếng “The chance for Peace” của Tổng thống Eisenhower (16-4-1953) và phát biểu tại Hạ viện nước Anh của Thủ tướng Winston Churchill (11-5-1953). Kêu gọi tổ chức đàm phán cấp cao nhằm “hạ nhiệt” cuộc Chiến tranh Lạnh đang rất “nóng” của Nguyên thủ một số nước phương Tây gặp sự phản hồi tích cực của Liên Xô. Hội nghị Genève được “thai nghén” trong điều kiện đó.
Sự thay đổi Ban lãnh đạo trong điện Kremlin sau cái chết của I.V.Stalin (5-3-1953) - một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ XX, đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây nghĩ đến khả năng giảm bớt căng thẳng quốc tế. Hy vọng đó được thể hiện trong bài phát biểu nổi tiếng “The chance for Peace” của Tổng thống Eisenhower (16-4-1953) và phát biểu tại Hạ viện nước Anh của Thủ tướng Winston Churchill (11-5-1953). Kêu gọi tổ chức đàm phán cấp cao nhằm “hạ nhiệt” cuộc Chiến tranh Lạnh đang rất “nóng” của Nguyên thủ một số nước phương Tây gặp sự phản hồi tích cực của Liên Xô. Hội nghị Genève được “thai nghén” trong điều kiện đó.
1- Đường đến Genève
Trong xu hướng hòa hoãn giữa các nước lớn, ngày 28-9-1953, Liên Xô đề
nghị các nước có liên quan tổ chức một hội nghị quốc tế,xem xét, đề xuất các biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong tình hình thế giới, giải quyết vấn đề chiến tranh – hòa bình ở khu vực Đông
Á và Đông Nam Á. Ngày 25-1-1954, Hội nghị cấp Bộ
trưởng Ngoại giao giữa Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ khai mạc tại Berlin ra thông báo sẽ triệu tập
Hội nghị Genève, bàn giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông
Dương.
Thất bại liên tiếp trên chiến trường, lúng túng, bị động trong chiến
lược, chiến thuật, ngân khố thâm hụt trầm trọng…, Pháp mong muốn nhanh chóng
tìm ra một giải pháp cho cuộc chiến tranh Đông Dương. Nhìn thấy ở Hội nghị Genève cơ hội giải quyết chiến tranh Đông Dương
thông qua thương lượng, dù đang ở vào tình thế bất lợi về quân sự, song Pháp
muốn đàm phán trên tư thế áp đảo - cuộc thương lượng như De Gaulle minh định:
“Đó không phải là nhượng bộ, đó là hòa bình của vũ trang”[1]. Nước Pháp đặt cược vào canh bạc lớn -
giải quyết cuộc chiến tranh “một cách thể diện” bởi H.Navarre và “con nhím
thép” Điện Biên Phủ - “Verdun” của Đông Nam Á. Pháp quyết tâm bảo vệ Điện Biên
Phủ đến cùng, quan niệm “nếu giữ được Điện Biên Phủ có nghĩa là cứu được xứ
Đông Dương thuộc Pháp…”[2].
Đón nhận tin tức về Hội nghị Genève, ngày 2 -11- 1953, Hồ Chí Minh thay mặt Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa (VNDCCH) đưa ra thông điệp: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài
học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng
cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân
và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”[3]. Ngày 13-13-1954, Hội đồng chính phủ
VNDCCH nhóm họp, bày tỏ quan điểm tán thành Hội nghị Genève, thảo luận về lập trường, phương châm
đấu tranh ngoại giao và cử Đoàn đại biểu tham gia Hội nghị (do Phạm Văn Đồng
dẫn đầu). Trên quan điểm giải quyết chiến tranh: “cơ sở của việc đình chiến ở
Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt
Nam” [4], VNDCCH chủ trương vừa đánh, vừa đàm.
Chủ trương “đánh - đàm” được khái quát ngắn gọn: Đánh cho đến khi
có ưu thế hơn đối phương và đợi đến lúc ở Genève đạt được được thoả thuận chính trị phù
hợp rồi mới đình chiến, thậm chí chỉ đồng ý đình chiến về nguyên tắc, còn nội
dung đình chiến cụ thể phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình.
Nhằm tạo thế cho cuộc đàm phán sắp đến, trung tuần tháng 12-1953, Trung
ương Đảng Lao động Việt Nam hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ, coi đó là đòn “rất quan trọng không những về
quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”[5].
Nhận xét về thời điểm phát động và
mục tiêu cuộc “so găng lịch sử” Điện Biên Phủ, sĩ quan tình báo Mỹ L. A. Patti
viết: “Cái pháo đài mới được tăng cường này đã có tầm quan trọng về chính trị
và tâm lý hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của nó vì Hội nghị Genève sắp
khai mạc”[6]. Với quyết tâm của hai bên tham chiếm, lực lượng con người và
vật chất được dốc vào thung lũng lòng chảo vùng Tây Bắc[7], Điện Biên Phủ trở thành nơi đọ sức, cuộc chạy đua nước rút quyết
liệt, mà mỗi bên đều gửi gắm vào đó những mục tiêu quyết tử, có giá trị quyết
định trong ván cờ cuối cùng. Mục tiêu trên bàn đàm phán của Hội nghị Genève) đã biến Điện Biên Phủ thành đấu trường
khốc liệt, khi kết cục của nó quyết định “miếng bánh” của các bên liên quan,
tất nhiên, nếu việc chia bánh được đặt trên căn cứ của luật chơi “sòng phẳng”,
công bằng.
Liên quan tới Quốc
gia Việt Nam (QGVN), tháng ba năm 1954, Thủ tướng Nguyễn Phúc Bửu Lộc mở cuộc điều đình với Pháp về chủ
quyền của Việt Nam, đề nghị Pháp ký hai Hiệp ước. Hiệp ước thứ nhất về công
nhận độc lập trọn vẹn của QGVN, QGVN sẽ tách khỏi Liên hiệp Pháp trở thành một
nước độc lập. Hiệp ước thứ hai về quan hệ giữa Việt Nam và Pháp[8].
Những nước còn lại tham dự Hội nghị (Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh) tuy
không là “đương sự” trực tiếp, song lại có quyền quyết định quan trọng, có
những dự định, kế hoạch tiếp cận và giải quyết những vấn đề trọng yếu của Hội
nghị đáp ứng/thỏa mãn quyền lợi của mình lớn hơn mục tiêu giải quyết vấn đề
Triều Tiên, cũng như vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Bức tranh toàn cảnh
mối liên hệ giữa các nước lớn có mặt ở Hội nghị mang tính “thắt” - “mở”, bị chi
phối, quy định bởi những toan tính và kế hoạch riêng/chung hết sức phức tạp,
bộc lộ ngày một rõ hơn trong tiến trình Hội nghị.
2- Nỗi thất vọng mang tên Genève
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Genève chính thức khai mạc. Giai
đoạn một của Hội nghị chủ
yếu bàn về vấn đề Triều Tiên, song
không khí Genève
ngày một nóng dần lên bởi những diễn biến chiến sự ở Đông Dương. Đặc biệt, Hội nghị khai mạc trùng với thời
điểm Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến
dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ, khiến Genève dường như
cũng khét lẹt mùi khói lửa chiến trường.
Ngày 4-5-1954, Đoàn VNDCCH do
Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu có mặt ở Genève[9]. Phạm Văn Đồng vừa đặt chân tới Genève, “vấn đề Đông
Dương tại Hội nghị nhộn nhịp hẳn lên”[10]. Phạm Văn Đồng “đến Genève với nét mặt
rạng rỡ. Tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp báo về làm cho ông
tràn đầy hy vọng”[11].
Cuối cùng, thời khắc định mệnh đã đến - 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954,
Quân đội nhân dân Việt Nam chiếm Sở Chỉ huy cứ điểm, Tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ
Tham mưu bị bắt sống - cuộc chiến tranh Đông Dương rơi vào “điểm trắng” của
lịch sử. Cả nước Pháp chết lặng, bàng hoàng. Wilfred Burchett bình luận: “Người
đồng chí thân thiết của ông Phạm Văn Đồng là ông Võ Nguyên Giáp đã trao lại cho
ông một vũ khí hiệu nghiệm nhất, mà không phải bất kỳ nhà thương lượng nào cũng
dám nghĩ đến khi bắt đầu một hội nghị như vậy”[12].
Điện Biên Phủ thất thủ đã khiến nội tình nước Pháp chia rẽ sâu sắc thêm,
Pháp không còn con đường nào khác là phải nhanh chóng rút lui khỏi Đông Dương.
Nhiệm vụ cấp bách nhất của phái đoàn Pháp tại Hội nghị Genève là đạt
được ngừng bắn càng sớm càng tốt, hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Pháp tan vỡ. Trong phiên họp đầu tiên,
“Trưởng đoàn đám phán Pháp Mendès-France đưa ra đề nghị hạn chế sự hiện diện
của quân đội Pháp ở phía nam vĩ tuyến 17”[13], dù trước đó khăng khăng yêu cầu vĩ
tuyến 18.
Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi một ngày trước khi Hội nghị Genève về
Đông Dương khai mạc – “nhờ thời điểm tuyệt diệu của ông Giáp, kế hoạch Đa-lét
nhằm quốc tế hoá cuộc chiến tranh đã thất bại”[14]. Điều đó càng củng cố thêm lập trường
đàm phán “thực sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do”[15]; “hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc”[16] của VNDCCH. Những yếu tố hội tụ cho phép
VNDCCH hy vọng về một kết quả công bằng tại Genève
thỏa mãn lập trường đàm phán đã xác định.
Về phía Quốc gia Việt Nam, ngày 4-6-1954, Thủ tướng Pháp Joseph Laniel và Thủ tướng QGVN Nguyễn Phúc Bửu Lộc ký Hiệp ước
công nhận QGVN độc lập hoàn toàn[17]. Ít lâu sau, Hiệp ước liên hiệp Việt-Pháp thỏa thuận về việc Việt
Nam nằm trong Liên hiệp Pháp cũng được ký kết[18]. Trở thành Thủ tướng, Mandès France hứa tôn trọng những
thỏa ước này - đây cũng là cơ sở để QGVN yêu
cầu người Pháp phải tôn trọng sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam, chống lại
mọi sự chia cắt; coi sự hiện diện của phái đoàn VNDCH ở Hội nghị là không có
tính pháp lý.
Như đã nói ở trên, đến Hội nghị với những yêu cầu phù
hợp với tương quan lực lượng trên chiến trường (Pháp phải thỏa thuận vô điều
kiện về việc rút quân theo lịch trình ấn định, Việt Nam phải được thống nhất), VNDCCH mong muốn độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và có lập trường đàm phán khá cứng rắn. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán, kết quả Hội nghị thực sự là
điều bất ngờ, là “viên thuốc đắng” mà VNDCCH phải cố nuốt trôi: Thỏa thuận đạt
được ở Genève nghiêng về kế hoạch của Pháp hơn là của VNDCCH[19]. Những nội dung
mang tính then chốt được chính thức ấn định tại Hội nghị (20-7-1954) chỉ mang
lại cho VNDCCH nửa nước trên bản đồ thế giới.
Về ranh giới phân vùng, khi Chu Ân Lai nhắc đến
giới tuyến 17, cả Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh đều cảm thấy ngỡ ngàng. Hồ Chí
Minh nói với Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh: “Với so sánh lực lượng trên thực tế
chiến trường hiện nay, ta đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 đối với ta
là không thể chấp nhận, chí ít cũng phải dành được vĩ tuyến 16”[20]. Jean Lacouture mô tả
nỗi “ấm ức” của Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH: “Chung quanh một chiếc bàn lớn, ghế xô đẩy ngổn
ngang, người ta thấy Eden và P.M.F (Pierre Mendès France- TG), Molotov và Chu
Ân Lai đang bao quanh Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng mồ hôi nhễ nhại, mặt hốc hác
đầy vẻ đau đớn nhìn vào bản đồ Đông Dương trước mặt: Lãnh thổ của Việt Nam cộng
sản bị đẩy lùi dần từng cây số một về phía Bắc”[21]. Sau
này, Phạm Văn Đồng cay đắng thốt lên: “Chúng
tôi có thể giành được nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã thoả thuận trước
với Trung Quốc về mọi điều. Nhưng Chu Ân Lai đã có cuộc hội đàm bí mật với
Mandès France và tất cả đều đã thay đổi”[22].
Ngay từ ngày ấy, những người cộng sản Việt Nam đã hoài nghi về khả năng
một nền hòa bình đến sớm. Võ Nguyên Giáp lo lắng tiên liệu: “Pháp
còn gần năm mươi vạn quân, lại thêm Mỹ giúp thì rất ít có khả năng hòa bình
thống nhất Việt Nam”[23]
Với Quốc gia Việt Nam, tình hình còn tệ hại hơn nhiều. Tham gia Hội nghị,
QGVN chỉ tồn tại một cách hình thức bên cạnh
phái đoàn Pháp. Trong các buổi họp hẹp giữa Pháp và VNDCCH, đại biểu của QGVN không được mời tham dự dù với tư cách quan sát viên. Trong phiên họp toàn thể, chỉ có
các trưởng phái đoàn Pháp và VNDCCH đưa ra quan điểm và thảo luận, sau đó Pháp
thông báo mọi quyết định cho phái đoàn QGVN.
Ngày 17-7-1954, phái đoàn QGVN gửi Kháng nghị đến Pháp và Mỹ, phản đối Pháp đã
không thông báo về những đề xuất được mang ra thảo luận – những đề xuất, như
bản Kháng nghị khẳng định: “Không hề đếm xỉa đến ý
chí đoàn kết dân tộc muôn người như một của nhân dân Việt Nam”[24]. Phái
đoàn QGVN yêu cầu: “Ngừng bắn phải đi kèm với giải trừ quân bị mọi lực lượng
tham chiến tại Việt Nam; đặt Việt Nam dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc trong
thời gian an ninh, trật tự, hòa bình từng bước được tái lập và hoàn tất (…).
Cuối cùng, để nhân dân Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình thông qua bầu
cử tự do”[25]. Bản Kháng nghị lưu ý: “Đặt một Việt Nam thống nhất
dưới quyền kiểm soát của Liên Hợp Quốc thích hợp hơn là duy trì quyền lực ở một
đất nước bị chia cắt và bị đẩy vào vòng nô lệ”[26]. Tuy nhiên, những kháng nghị
của QGVN như được rót vào
tai người điếc, không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Tại phiên họp toàn thể cuối cùng, Ngoại
trưởng Trần Văn Đỗ “yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ quốc
gia Việt Nam dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền
thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện thống nhất, độc lập
và tự do cho xứ sở”[27]. Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ tuyên bố: “Chính phủ
Quốc gia Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều
khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt”[28], yêu cầu chèn thêm vào bản Tuyên bố nội dung: "Hội nghị ghi nhận
Tuyên bố của Chính phủ của Nhà nước Việt Nam về cam kết thực hiện và hỗ trợ mọi
nỗ lực thiết lập một nền hòa bình thực sự và lâu dài tại Việt Nam; không sử
dụng vũ lực chống lại các thủ tục để lệnh ngừng bắn có hiệu lực, trong khi Nhà
nước Việt Nam vẫn bảo lưu sự phản đối được nêu lên ở Tuyên bố cuối cùng”[29]. Yêu cầu đã bị bác bỏ thẳng
thừng. Thất vọng vì “người Pháp đã trơ trẽn và bất chấp luật lệ bán rẻ
lợi ích của Quốc gia Việt Nam”[30], trả lời phỏng vấn báo chí, Trần Văn Đỗ
tiết lộ: “Phái đoàn quốc gia Việt Nam đã không được biết về thoả thuận đình
chiến. Từ khi đến Genève, phái đoàn không hề được hỏi ý kiến về điều kiện
đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử… Những vấn đề này đều được thảo luận
tại những phiên họp hẹp; do vậy, phái đoàn Quốc gia Việt Nam không thể bày tỏ
quan điểm”[31]. Tức tưởi, chán nản, bất lực, từ Genève, Trần Văn Đỗ
gửi điện xin từ chức.
Trước kết cục cuối cùng của Hội nghị Genève, Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng QGVN Phan Huy Quát tuyên bố: “Chia cắt Việt Nam sẽ dẫn tới nguy cơ
làm dấy lên cuộc chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam (…) Đình chiến và phân
vùng sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh nguy hiểm hơn”[32]. Với quan điểm tương tự,
Tướng Nguyễn Văn Hinh phát biểu: “Đình chiến và chia cắt lãnh thổ Việt Nam là
một biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự đổ máu, nhưng không thể chấm dứt chiến
tranh. Và có thể, người Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh
như ở Hàn Quốc, nơi quân đội của cả hai bên luôn đặt ngón tay lên cò súng”[33].
Căn cứ trên điều khoản “không bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào
do Pháp ký sau này” của Hiệp ước Traité D’indépendance Du VietNam (4-6-1954), QGVN
tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève. Tuy nhiên, theo phân tích
trong Official record của U.S.
Senate Subcommittee, thì có ít nhất hai lý do khẳng định QGVN vẫn bị ràng
buộc: 1- Chính phủ này chỉ sở hữu một vài thuộc tính của một chủ quyền đầy đủ;
2- Phụ thuộc vào Pháp về quốc
phòng[34].
3- Nền hòa bình vỡ vụn
Hiệp định Genève đã
không hoàn thành sứ mệnh của mình. Sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp hết
sức căng thẳng với những màn đấu trí, đấu lực gay gắt, những “lỗ hổng” trong
Hiệp định Genève đã đặt Đông Dương trên bờ
vực của một cuộc chiến tranh mới.
Ngay khi những tin tức của Hiệp định Genève và những điều khoản chuyển
quân của nó được công bố, nhiều người miền Bắc rơi vào tình trạng lo âu, phấp phỏng. Sau khi Hiệp định Genève được
ký kết, cuộc di cư của một bộ phận người miền Bắc bắt đầu.
Đến năm 1956,khoảng 880.000 người đã di cư vào Nam, trong đó có 750.000 người Công giáo (chiếm 85% số lượng người di
cư)[35]. Quyết định áp đặt mô thức Triều Tiên
cho Việt Nam của các nước
lớn đã dẫn đến cuộc “thiên di lịch sử”, gây nên cảnh ly tán của hàng trăm ngàn gia đình kẻ Bắc,
người Nam. Nỗi đau chia cắt đã làm vỡ
vụn nền hòa bình chưa kịp đến.
Trên bàn cờ của các nước lớn, cả VNDCCH và QGVN đều là những thực thể chính trị lẻ loi,
không đủ sức thoát khỏi ảnh hưởng và những sắp đặt sẵn của các nước lớn đồng minh
hoặc không đồng minh.
Đối với VNDCCH, lựa chọn ý thức hệ cộng sản, tin tưởng ở chủ nghĩa quốc tế
vô sản, chưa đủ mạnh về quân sự, cô lập về ngoại giao… những yếu tố đó đan
quyện, chi phối, dần dần dẫn đến sự phụ thuộc của Chính phủ Hồ Chí Minh vào
Liên Xô và nhất là vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc đó bắt đầu từ năm 1950 (khi
Trung Quốc đẩy mạnh viện trợ và đồng ý gửi cố vấn quân sự, kinh tế - tài chính,
tổ chức… giúp Việt Nam kháng Pháp), tích tụ và để lại hậu quả “nhỡn tiền” tại Genève - VNDCCH đã không thể
đưa ra và thực hiện một chiến lược hiệu quả trên “đấu trường” giữa các nước lớn.
Tiến hành kháng chiến chống Pháp trong thế bị bao vây, cô lập, thiếu
kinh nghiệm đàm phán, nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về chính sách của các
nước lớn[36], có một “niềm tin chân thực”, tương đối
“ngây thơ” đối với đồng minh và đặc biệt bị xiết chặt bởi “vòng kim cô” ý thức
hệ, VNDCCH đã không (hoặc không đủ tỉnh táo) xem xét, nghiên cứu phương án “đặt Việt Nam dưới sự kiểm soát của Liên
Hợp Quốc” mà QGVN đưa ra.
Bước trượt ấy rất có thể đã khiến cả hai miền Nam, Bắc lỡ một
nhịp trên con đường hòa hợp.
Giúp đỡ nhiều mặt của Mao Trạch Đông cho cuộc kháng chiến
chống Pháp đã khích lệ Chính phủ VNDCCH, tạo những hi vọng
lớn lao về nền độc lập không xa; đồng thời, những điều đó đã khiến lãnh đạo VNDCCH không kịp nhận ra rằng,
Trung Quốc đang “đầu tư” vào chiến tranh Đông Dương, biến Việt Nam thành lá
chắn ngăn
chặn đường tấn công và xâm nhập của Hoa Kỳ. Siêu cường không thể không có vệ
tinh – Trung Quốc dần đưa Việt Nam vào vùng ảnh hưởng, vào quỹ đạo của Trung
Quốc. Một Việt Nam giàu mạnh, độc lập với Trung Quốc, có quan hệ ngoại giao
rộng rãi với nhiều nước nhất định sẽ “thoát Trung”, sẽ không thể là chư hầu - đó
cũng là lý do Trung Quốc “sốt sắng” với giải pháp chia cắt Việt Nam, ủng hộ để
Việt Nam rút quân khỏi Lào và Campuchia.
Cũng vì tin tưởng đồng mình, VNDCCH đã không thấy rằng, dường như mọi vấn
đề về Đông Dương đã được các nước lớn sắp đặt và quyết định. I.V. Gaiduk bình luận: “Đến Moscow vào đêm trước của Hội nghị Genève, phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ
tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã không được thảo luận về
phương thức, con đường giải quyết vấn đề Đông Dương, mà chỉ còn cách đồng ý với Liên Xô, Trung Quốc
và phối hợp thực
hiện những vấn đề về chiến thuật”[37]. Dưới áp lực của
Liên Xô, Trung Quốc, dù cố giữ lập trường cứng rắn, nhưng cuối cùng, các yêu
cầu đàm phán của VNDCCH buộc phải hạ thấp dần, chỉ có Chu Ân Lai có được “tất cả mọi thứ đã được tiên liệu
và dự đoán trước”[38].
Cuối cùng, giải pháp chia cắt Việt Nam bằng lằn ranh
mang tên “vĩ tuyến 17” đã không mang đến thậm chí là “nền hòa bình mong manh”.
Hai miền đất nước, hai chế độ và 21
năm chiến tranh đằng đẵng… lịch sử Việt Nam ở thời điểm đó và cả sau này,
bị chế định bởi “giải pháp” của những “người ngoài cuộc”. “Vị đắng” Genève còn
rơi rớt đến bây giờ.
[5]Hồ Chí Minh: Thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
ngày 22-12-1953, tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
[7] Về phía Pháp,
Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm liên hoàn, có thể hỗ trợ nhau khi bị tiến
công, có 17 tiểu đoàn bộ binh, đa số là
lính Âu Phi thiện chiến, lính dù tinh nhuệ và 116 khẩu pháo, cối các loại, 10
xe tăng cùng các loại vũ khí, khí tài hiện đại khác như súng phun lửa, súng đại
liên nhiều nòng, mìn đĩa, mìn napan, máy ngắm hồng ngoại…, hàng ngày được 50-60 máy bay vận tải tiếp tế từ 150
đến 200 tấn vật liệu chiến tranh và các đồ dùng quân sự. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khối
lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn
đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn
thực phẩm và 177 tấn vật chất khác; huy động hơn 260.000 dân công, trên 20
nghìn xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, trên 11.800 thuyền bè mảng và 628 xe ô tô
phục vụ vận chuyển hàng hoá, vũ khí đạn dược cho chiến dịch. Các Đại đoàn bộ
binh 308, 304, 312, 316, Đại đoàn công pháo 351 được huy động cho chiến dịch
(Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự: Lịch
sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp,
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 296, 279).
[9] Ngày 27-4-1954, Anh, Mỹ uỷ
nhiệm Pháp gặp Liên Xô thỏa thuận về thành phần Hội nghị. Trong cơ cấu Hội
nghị, Anh, Pháp, Mỹ loại VNDCCH. Nhờ sự nỗ lực của Liên Xô, ngày 2-5-1954, các
nước chấp nhận sự có mặt của Việt Nam. Liên Xô cũng tỏ ý không phán đối nếu
QGVN, Vương quốc Lào và Campuchia cử đại diện tham gia.
[12] Burchett, George and
Shimmin, Nick: Memoires of A Rebel Journalist: The
Autobiography of Wilfred Burchett, University of New South Wales Press, Sydney, New South
Wales, 2005, p.190.
[13] Nikita
Khrushchev: Memoirs of Nikita
Khrushchev, volume 3 statesman
(1953–1964), Pennsylvania State University Press, 2006, p.501.
[14] Burchett, George and
Shimmin, Nick: Memoires of A Rebel Journalist: The
Autobiography of Wilfred Burchett, University of New South Wales Press, Sydney, New South
Wales, 2005, p.190.
[16] Đảng cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn
tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 14, tr. 554
[17] The Pentagon Papers, Gravel Edition Volume 1,
Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960"
(Boston: Beacon Press, 1971). Hiệp ước Traité D’indépendance Du VietNam có nội dung như sau: 1-
Nước Pháp thừa nhận nước Việt Nam như là một quốc gia hoàn toàn độc lập có đủ
mọi thẩm quyền công nhận bởi công pháp quốc tế; 2- Nước Việt Nam thay thế nước
Pháp trong mọi quyền hành trong các hiệp ước, giao ước mà nước Pháp đã nhân
danh nước Việt Nam mà ký kết trước đó về những khoản liên quan đến Việt Nam, cũng
như không bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào do Pháp ký sau này; 3- Nước
Pháp cam kết trả lại mọi công vụ mà Pháp đang chuyên trách tại Việt Nam; 4-
Hiệp ước này có hiệu lực kể từ ngày ký, hủy bỏ mọi văn kiện và quy định trước
trái ngược với hiệp ước này.
[18] Hiệp ước Traité d’association Franco
Vietnamienne thừa nhận Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp; Pháp và Việt
Nam đều bình đẳng, hai bên hợp tác tại Hội đồng tối cao Liên hiệp Pháp; mọi
xung đột, nếu có sẽ được giải quyết tại Hội đồng trọng tài do hai bên cử ra.
[19] Ranh giới tạm thời chia cắt đất nước vĩ tuyến 17 (thay cho vĩ tuyến 13 theo
yêu cầu ban đầu) và thời hạn hai năm tổng tuyển cử (thay vì 6 tháng như đề
nghị); VNDCCH phải rút hết quân đội khỏi Lào và Campuchia
[21] Jean Lacouture, Philippe
Devillers: La Fin d'une guerre: Indochine 1954,
Éditions du Seuil, 1960, p.311.
[24] The Pentagon Papers - U.S.-Vietnam Relations, 1945-1967, A Study Prepared by
the Department of Defense.
[27] The Pentagon Papers, Gravel Edition, Volume 1, Chapter
3, , "The Geneva
Conference, May-July, 1954", (Boston: Beacon Press, 1971).
[29]The Pentagon Papers - U.S.-Vietnam
Relations, 1945-1967, A Study Prepared by the Department of Defense.
[36] Việt Nam chưa đánh giá đúng ý
đồ của Mỹ, cho rằng sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương là nhằm xâm lược Việt
Nam, mà không biết rằng, bản chất sự can thiệp ấy là để ngăn chặn “làn sóng đỏ”
mà Trung Quốc là đầu tàu. Vì thế, từ những năm cuối của cuộc chiến tranh Đông
Dương trở đi, Việt Nam luôn xác định Mỹ là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm.
[37]А.О.Чубарьян,
Н.И.Егорова: Холодная война.
1945—1963 гг. Историческая ретроспектива, Сб. Ст, ОЛМА-ПРЕСС, М. 2003,C.285.
9-7-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét