VOV.VN -Có đấu thầu sao lại để nhiều nhà thầu Trung Quốc yếu kém trúng thầu? Có lĩnh vực, số lượng nhà thầu Trung Quốc chiếm 80%...
Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội sáng nay (31/10), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đã có bài phát biểu khá thẳng thắn về vấn đề làm thế nào để “giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại Quốc hội - Ảnh: Quang Trung |
Đại biểu nhắc lại: “Tại kỳ họp thứ 7 tôi có chất vấn về sự lệ thuộc tài chính thì được trả lời là không đáng kể nhưng cử tri không đồng ý, cho rằng đã có sự lệ thuộc về vốn và tài chính”.
Đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, nói đến Trung Quốc như một đối tác kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu, các DN Trung Quốc và các đối tác kinh tế giống như từ Nga, Mỹ, Nhật và ASEAN.
Theo phân tích của Đại biểu Trọng Nghĩa, có được một nền kinh tế mạnh “núi liền núi, sông liền sông” trước hết không phải hay không chỉ là thách thức mà là cơ hội. Chỉ riêng tiết kiệm chi phí vận tải đã đem lại cho DN Việt Nam lợi thế cạnh tranh này không nhỏ so với các nước khác.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam còn có các thế mạnh vậy vì sao lại trở nên lệ thuộc. Có những bài học từ nhân dân, tiền nhân đó là “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “khôn thì sống, mống thì chết”… Không thách thức, khó khăn nào lớn hơn hai cuộc chiến tranh vừa qua… chúng ta chiến thắng nhờ biết sử dụng những người có đức, có tài.
“Nếu chúng ta giao tiền và quyền cho những người kém về năng lực và đạo đức, tham lam, thậm chí bắt buộc người ta phải hối lộ như là điều kiện để lấy đường làm ăn với mình thì làm sao tránh được lệ thuộc? Một nước có tiềm năng lớn như Việt Nam lại nhập khẩu nông sản, nguyên liệu từ Trung Quốc, kể cả rau quả và trứng gà” – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Chúng ta còn tổ chức đấu thầu, chấm thầu thì tại sao lại để những nhà thầu Trung Quốc kém năng lực trúng thầu, có ngành chiếm tới 80-90% số lượng dự án. Tại sao thương buôn Trung Quốc lại dùng visa du lịch đến tận Tây Nam Bộ thu mua nông sản, lập kho chứa, lũng đoạn giá, phá thị trường….
Đại biểu cũng nhắc lại con số 23.000 lao động Trung Quốc (chủ yếu là phổ thông) làm việc ở khắp nơi như Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương…
Một thông tin “nóng” cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhắc đến là Dự án Formosa có hơn 4.000 lao động Trung Quốc trong tổng số 5.917 người lao động nước ngoài. Và họ còn muốn được xây miếu thờ, để thờ ai…?
Và hàng loạt câu hỏi tại sao được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa ra, được ông khẳng định “Không nên đổ thừa cho ai ở đây cả mà trước hết là do yếu kém của chúng ta”.
Trong phần phát biểu của mình, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội đất nước đạt được trong năm qua, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, công lao lớn nhất thuộc về nhân dân.
Khác với ý kiến một số đại biểu và chuyên gia kinh tế, đại biểu khẳng định: “Tôi không tin là 2015-2016 sẽ có chuyển biến gì mạnh mẽ, vì chúng ta chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ. Và những gì phải nỗ lực thực sự trong 5-10 năm đạt được thì chúng ta không thể đạt được ngay trong 1-2 năm. Chúng ta đang theo tư duy cũ, con đường cũ, thì làm sao thấy được chân trời mới”.
Dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét là kinh tế Việt Nam không thể bay cao vì "đôi cánh" phải đeo quá nặng, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những gánh nặng này nhiều năm qua không cởi bỏ được, chẳng nhưng nó làm ta không bay được cao, nhanh mà còn chệch hướng. Ví dụ, xuất khẩu đứng tốp nhì, tốp năm, thậm chí nhất nhì thế giới nhưng suốt 2 thập kỷ vẫn gia công với giá rẻ, xuất khẩu tài nguyên, giá trị gia tăng thấp, nhập khẩu tới 80% linh kiện, nguyên liệu, phụ liệu và nhập khẩu hàng tiêu dùng rẻ tiền, thậm chí cả nông sản, thực phẩm; năng suất lao động thấp.
Hai thập kỷ qua, sức phát triển kinh tế của Việt Nam có 3 cái hao mà không khắc phục được. Một là rất hao vốn, hao ngoại tệ và hao tài nguyên môi trường. Tham nhũng tràn lan ở các cấp độ, nợ công, xợ xấu chồng chất; đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát. Nhưng kinh tế Nhà nước chiếm giữ nhiều tài sản lớn, được ưu tiên phân bổ nguồn lực nhưng hiệu quả kém. Tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông là những nhân tai nghiêm trọng, thiệt hại sức người sức của lớn.
Đại biểu Nghĩa cũng đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc sửa đổi, ban hành một số bộ luật quan trọng thì phải có chính sách kịp thời. Chính sách đó phải dựa vào dân và khoan sức dân, như ưu đãi đầu tư bằng các phương thức PPP, BT… ưu đãi cho công nhiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, nông nghiệp… đặc biệt, có đối sách khôn khéo, kiên quyết và lành mạnh hóa quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Và quan trọng nhất, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, con người là yếu tố quan trọng nhất, cần làm một cuộc cách mạng nhân sự, chú trọng đội ngũ lãnh đạo có tài, có đức, yêu nước, có tư duy đổi mới, hội nhập./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét