Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Anatoly Tille – Chế độ phong kiến ở Liên Xô - Chương 6

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 6. Hệ thống đòn bẩy




Khi tiến hành tổng kết và phát triển lí luận của Lenin về cơ chế thực hiện chuyên chính vô sản, Stalin chỉ rõ rằng lực lượng lãnh đạo, tức là Đảng cộng sản sử dụng các “đòn bẩy” để “thực hiện công việc hàng ngày của chuyên chính vô sản” nghĩa là lãnh đạo quần chúng. Stalin liệt kê hệ thống “đòn bẩy” đó theo thứ tự như sau: công đoàn, Xô viết, hợp tác xã đủ mọi loại, đoàn thanh niên[1]. Tất cả các tổ chức này về mặt hình thức, do điều 6 của Hiến pháp Liên Xô, đã không phải là các tổ chức độc lập. Tuy nhiên, điều này cũng như việc loại bỏ nó sau này đã không có nhiều ý nghĩa vì “Không một quyết định quan trọng nào của các tổ chức quần chúng mà không có sự lãnh đạo của Đảng[2]”, ngoài ra, Đảng còn cử người của mình nắm giữ tất cả các chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức nói trên. 



Về mặt hình thức, ban lãnh đạo tất cả các tổ chức đó đều được bầu, nhưng trên thực tế, những người đứng đầu các tổ chức này là các cán bộ được Đảng chỉ định. Thí dụ, ứng cử viên vào chức chủ tịch nông trang (về mặt lí thuyết nông trang là một loại hợp tác xã) phải được 22 cấp duyệt (!), bất kì cấp nào cũng có quyền phủ quyết (tất nhiên ý kiến của “bí thư” là quyết định) và chỉ sau khi tất cả các cấp này đã đồng ý thì ứng viên mới được đưa ra cho nông trang viên bầu, thường là không phải trong các đại hội toàn thể mà là trong hội nghị cốt cán. Việc thất cử gần như không bao giờ xảy ra, dù đôi khi cũng có một vài ngoại lệ.
 



Tại Tòa bảo hiến, để khẳng định tính hợp pháp nghị định của Yeltsin về việc cấm Đảng cộng sản, những người đại diện cho ông ta đã chứng minh rằng Đảng không phải là tổ chức xã hội mà là một cơ cấu của bộ máy nhà nước. Đúng như thế, nhưng hệ thống nhà nước Liên Xô còn bao gồm tất cả các “đòn bẩy” mà Stalin đã nói tới, trước hết là công đoàn, một cơ cấu chưa bao giờ là tổ chức xã hội cả. 



Tại phiên tòa, người ta cũng chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Liên Xô là một tổ chức tội phạm. Cũng đúng, nhưng Tòa bảo hiến không phải là nơi thảo luận vấn đề đó. Tội chống lại nhân loại, tội diệt chủng của “Đảng cộng sản” không hề nhỏ hơn tội của “Đảng xã hội chủ nghĩa quốc gia” (gọi tắt là Đảng Quốc xã, tức Đảng phát-xít tại Đức– ND) và vì vậy nó phải được xét xử tại Tòa án quốc tế ở Nurember. 



Là Đảng viên, những người lãnh đạo tất cả các “đòn bẩy” đều phải nghe theo “bí thư” đồng cấp, đều phải chấp hành kỉ luật Đảng và vì vậy mà không có bất cứ một sự độc lập nào. Chưa nói đến việc khai trừ, ngay cả hình thức kỉ luật như “phê bình nghiêm khắc” cũng có thể làm người ta mất việc rồi. Các viên chức trong bộ máy nhà nước như luật sư, kiểm sát viên, cán bộ công đoàn… đều như thế cả. 




Công đoàn 



Công đoàn là tổ chức thối tha nhất, giả dối nhất ở Liên Xô (không kể KGB, một tổ chức mà ai cũng biết), mặc dù chứng minh rằng nó là tổ chức như thế là việc không dễ. Nhưng không phải vô tình mà Stalin đưa “công đoàn” vào vị trí đầu tiên. 



Trái với các nguyên tắc tổ chức công đoàn trên thế giới, “công đoàn” Liên Xô không phải là tổ chức kinh tế mà là một tổ chức chính trị, một phần của hệ thống chính trị của nhà nước. 



“Công đoàn (liên minh những người cùng nghề nghiệp) ở Liên Xô là một tổ chức quần chúng liên kết tất cả công nhân và viên chức trên cơ sở tự nguyện… Công đoàn Liên Xô thực hiện công tác của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, giúp Đảng động viên quần chúng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản[3]”. 



Trái với tên gọi của nó, “công đoàn” Liên Xô không phải là tổ chức nghề nghiệp mà được tổ chức theo xí nghiệp: tất cả công nhân viên chức của cơ quan hay xí nghiệp đều là thành viên của một tổ chức công đoàn, dù họ có làm nghề gì cũng vậy, vì vậy, về mặt tổ chức các “công đoàn” Liên Xô không thể bảo vệ quyền lợi của những người làm cùng một nghề[4]



Vì nhiệm vụ chủ yếu là “động viên quần chúng” thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng cho nên “công đoàn” chưa bao giờ và cũng không bao giờ bảo vệ được quyền lợi của người lao động. Hơn thế nữa, đã trở thành truyền thống, những đạo luật có mục đích nô dịch người lao động kinh tởm nhất bao giờ cũng được thông qua với sự đồng ý của ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức công đoàn, thí dụ nghị quyết liên tịch của Hội đồng dân ủy, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (b), Ban chấp hành trung ương các công đoàn Liên Xô ngày 26 tháng 6 năm 1940 vê việc khởi tố hình sự nếu không có mặt tại chỗ làm việc trong vòng 20 phút mà không có lí do chính đáng! “Công đoàn” đã lên tiếng ca ngợi và giúp áp dụng cái đạo luật tàn ác này cũng như đạo luật về trách nhiệm hình sự nếu tự ý bỏ việc và nhiều đạo luật khác. 



Sự đê tiện của tổ chức này chính là thể hiện trong sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa bộ mặt của nó và những nhiệm vụ mà nó công khai tuyên bố với bản chất thật sự của nó. Tất cả mọi phương tiện sản xuất: nhà máy, công trường, đất đai, phương tiện giao thông đều là của nhà nước, nghĩa là của “Đảng”. Như vậy, nhà nước chính là người sử dụng lao động. Nhưng “công đoàn”, ngay cả theo lí thuyết cộng sản, cũng chỉ là một “đòn bẩy” của Đảng, nghĩa là một phần của bộ máy nhà nước và vì vậy mà nó không thể có mục đích bảo vệ người làm thuê. Tư tưởng của Trotsky về việc “nhà nước hóa tổ chức công đoàn” cũng như nhiều tư tưởng khác của ông ta đã được Stalin đem ra áp dụng. “Công đoàn” của các nước “xã hội chủ nghĩa” khác, do cơ cấu kinh tế của xã hội, cũng được xây dựng và hoạt động y hệt các “công đoàn” ở Liên Xô. Đấy là khác biệt quan trọng nhất giữa chế độ phong kiến hiện đại và chế độ phong kiến thời trung cổ, thời trung cổ nhà nước không khuyến khích nô nông thành lập công đoàn. Khi nâng cốc trong những bữa tiệc sang trọng được tổ chức bằng tiền của những nông nô và nô lệ đói khát, bị bóc lột đến tàn tệ ở nước ta, các “nhà dân chủ” phương Tây chỉ tròng thêm vào cổ họ một gánh nặng nữa mà thôi. Họ đang chúc phúc và biện hộ cho sự tồn tại của cái tổ chức công-đoàn-dối trá. Lậy trời cho một kẻ nào đó trong số “các chiến sĩ đấu tranh cho quyền lợi người lao động” ấy bị chết nghẹn với những chiếc bánh mì kẹp trứng cá hồi đen, món ăn mà họ nỡ giằng khỏi tay các cháu bé mồ côi! 



Tháng 12 năm 1989, trong thời gian tố cáo những vụ tham nhũng của các “Đảng viên Đảng cộng sản” Đông Đức, người ta mới được biết rằng, Tisch, lãnh tụ công đoàn nước này, có những khu săn bắn riêng, và một tòa lâu đài mà tầng hầm của nó chứa đầy rượu vang và thực phẩm của các nước phương Tây. Khi ông ta đi săn, gia nhân phục vụ lên đến 35 người. Có khác gì những cuộc đi săn của các bá tước ngày xưa? Hẳn các nhà lãnh đạo Tổ chức lao động thế giới (ILO) và lãnh đạo công đoàn các nước phương Tây đã hiểu được mức sống của người lao động Đông Đức trong các buổi tiếp tân của Tisch. Có thể đến một lúc nào đó chúng ta cũng biết được mức sống của các “lãnh tụ công đoàn” của chúng ta. Lúc đó liệu những nhà lãnh đạo ILO, những người vẫn ủng hộ nó có xấu hổ không? Chưa chắc. 



Tất cả những ý định thành lập công đoàn độc lập đều bị đàn áp ngay từ trong trứng nước. Trong các nước “xã hội chủ nghĩa” cuộc đấu tranh của công nhân nhằm cải thiện điều kiện lao động đều bị coi là đấu tranh chính trị nhằm chống lại chế độ, dĩ nhiên bản chất của nó là như thế. Chuyện đó đã diễn ra ở Ba Lan, sau một cuộc đấu tranh quyết liệt, “Công đoàn đoàn kết” đã được tồn tại song song với “công đoàn quốc doanh” và sau đó thì giành được chính quyền. Bộ máy của Đảng luôn luôn coi “công đoàn quốc doanh” là cơ quan loại hai cho nên người ta thường cử đến đó những cán bộ đã bị kỉ luật[5]. Thí dụ như Shelepin, người đã tham gia vào vụ đảo chính Brezhnev bất thành, dù trước đó đã giữ những chức vụ quan trọng, kể cả chủ tịch KGB, được cử ngay làm chủ tịch ban chấp hành công đoàn toàn liên bang. Việc “bầu” các chức vụ công đoàn thấp nhất cũng chỉ mang tính tượng trưng, thực ra họ đã được bộ máy Đảng “cử” cho dân “bầu” rồi[6]



Mặc dù chỉ được coi là công việc “loại hai” nhưng làm trong “công đoàn” lại rất có lợi về kinh tế vì tổ chức này nắm rất nhiều phương tiện: các xí nghiệp sản xuất, nhà an dưỡng, nhà nghỉ và cơ hội đi các nước tư bản ..v.v.. Vừa ngồi chưa ấm chỗ trên chiếc ghế chủ tịch các “công đoàn” Liên Xô là Shilaev đã “xơi” rồi. Nhưng ông ta “ăn dày” quá cho nên người ta buộc phải hạ bệ mà chẳng cần “công khai” cho ai biết. Shilaev được cử thay Shibaev. Gần đây thì Shilaev cũng bị bãi và Ianaev lên thay, không một tờ báo nào, kể cả tờ “Lao Động” của “công đoàn”, đứng ra giải thích cho người lao động rõ lí do của những vụ thuyên chuyển nói trên. Tất cả các cấp, từ ban chấp hành trung ương cho đến chủ tịch công đoàn bộ phận, đều là những kẻ bảo vệ hết lòng quyền lợi của bộ máy nhà nước và là những người đầu tiên đứng lên đàn áp công nhân[7]



Thái độ của “công đoàn” thể hiện rõ nhất trong làn sóng bãi công của thợ thuyền những năm 1989-1990. Ở đâu họ cũng chống lại công nhân. Tháng 3 năm 1990, tại Moskva đã diễn ra đại hội (bất thường) của công đoàn ngành than. Thành phần tham dự gồm có những ai? Trong số 570 đại biểu có 123 thợ mỏ, 319 “cán bộ công đoàn”, 75 cán bộ Đảng v.v… Kết quả, như tờ Tin Tức ngày 1 tháng 4 năm 1990 viết, thành ra là “đại hội của các cán bộ Đảng và chủ doanh nghiệp”, cho nên 70 công nhân đã lập tức bỏ đại hội. 



Trong phóng sự “Cải tổ - 1988” có kể lại câu chuyện một cô thợ may làm đơn xin “công đoàn” tỉnh trợ cấp ốm đau. Cô đã làm việc tại một xí nghiệp suốt 29 năm. Nhưng đơn của cô, như vẫn thường thấy, lại được gửi về chính xí nghiệp nơi cô công tác. Người ta đưa cô ra kiểm điểm và vì vậy mà bệnh của cô càng nặng thêm. Người phóng viên nói chuyện với chủ tịch công đoàn và hỏi: “Đã bao giờ công đoàn đứng ra bảo vệ công nhân chưa?”. “Không, tôi không biết nói thế nào. Nói chung công nhân không tiếp xúc với chúng tôi”, ông ta đã trả lời như thế đấy. (Báo Công nghiệp xã hội chủ nghĩa, ngày 2 tháng 9 năm 1988). 



Xin nêu một trích dẫn nữa (chuyện xảy ra ở Moskva): “Công đoàn thành phố, sau nhiều năm không hoạt động, sau khi “liên kết” với chính quyền, công đoàn thành phố đã quên nhiệm vụ chính của mình là bảo vệ quyền lợi người lao động, họ quan tâm đến nhu cầu của lãnh đạo hơn là nhu cầu của công nhân” (Sự thật Moskva, ngày 22 tháng 1 năm 1987). 



Đây chỉ là mấy thí dụ trong giai đoạn gọi là “cải tổ”. 



Tất cả các cấp công đoàn, từ Ban chấp hành công đoàn trung ương, một tổ chức chỉ có nhiệm vụ thông qua các đạo luật chống lại công nhân, cho đến chủ tịch công đoàn bộ phận, mà trách nhiệm là đưa những người công nhân hay phàn nàn vào “bệnh viện tâm thần”, chỉ phục vụ nhà nước chứ không phải công nhân. 



Nhưng nếu như thế thì tại sao mọi người lao động đều là đoàn viên “công đoàn”? Tại sao số lượng đoàn viên công đoàn ở ta lại bằng số lượng đoàn viên công đoàn ở Mĩ và Trung Quốc cộng lại? 



Tại phương Tây nhiều ông chủ không muốn có công đoàn trong xí nghiệp và không muốn công nhân của mình tham gia công đoàn. Vì vậy ILO bảo vệ quyền của công nhân là được tham gia công đoàn. Còn tại nước ta tham gia “công đoàn” là bắt buộc! ILO không đấu tranh chống lại hiện tượng như thế! Stalin, “người cha thân yêu của chúng ta” đã nghĩ ra một trò láu cá: Nghị quyết liên tịch ngày 28 tháng 12 năm 1938 của Hội đồng dân ủy, Ban chấp hàng trung ương Đảng cộng sản (b) và dĩ nhiên là cả Ban chấp hành trung ương các công đoàn nữa, quy định rằng những người không phải đoàn viên “công đoàn” chỉ được lĩnh một nửa trợ cấp nghỉ việc tạm thời! Một quy định chẳng dựa trên cơ sở kinh tế hay pháp lí nào vì phần đóng góp từ quỹ lương cho mỗi người lao động của từng xí nghiệp, cơ quan, kể cả hợp tác xã vào quỹ quốc gia là bằng nhau và không phụ thuộc vào việc người ấy có là đoàn viên “công đoàn” hay không. 



Hiên nay tại nhiều nơi người ta đã cho phép thành lập các công đoàn tự do, nhưng đoàn viên các công đoàn này còn phải tham gia cả “công đoàn quốc doanh” nữa, “công đoàn quốc doanh” vẫn hoàn toàn yên tâm. 



Tôi phải thú nhận rằng mình đã không hiểu được hậu quả của việc hủy bỏ đạo luật ban hành ngày 28 tháng 12 năm 1938. Trước đây tôi từng tin rằng sau khi đạo luật bị hủy bỏ thì chỉ còn các quan chức tham gia “công đoàn quốc doanh” mà thôi. Nhưng tôi đã lầm. Thực ra, chưa mấy người hiểu, nhưng nguyên nhân chính không phải là đạo luật này. Tôi đã cố gắng trình bày sự kiện đó trong các bài giảng của mình, nhưng vô ích. “Công đoàn” của chúng ta luôn luôn làm công việc phân phối một số quyền lợi vật chất: những suất đi du lịch, an dưỡng, tiền thưởng, giấy khen, huy hiệu… Ngay cả khi đấy không phải là tiền hay hiện vật của công đoàn thì họ vẫn là một trong những người tham gia phân phối. Ban giám đốc cũng tham khảo ý kiến công đoàn mỗi khi phải sa thải vì giảm biên chế… Vì vậy các thính giả đã chia sẻ những ý kiến, thậm chí hoàn toàn đồng ý với quan niệm của tôi về “công đoàn”, nhưng họ... vẫn là đoàn viên như cũ. 



Không phải vô tình mà Stalin đặt “công đoàn” ở vị trí thứ nhất. Không phải vô tình mà sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã thì “công đoàn” là tổ chức duy nhất vẫn duy trì được một cách trọn vẹn và bất biến cơ cấu cũ. 




Các Xô viết 



Nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua các Xô viết, điều 2 của hiến pháp viết như thế. Nhưng quyền lực của các Xô viết đã bị bãi bỏ ngay sau cách mạng “xã hội chủ nghĩa[8]”. Những người cộng sản không nhận được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp tự do đầu tiên (và cuối cùng) và Hội đồng này đã bị giải tán bằng vũ lực. Đại diện các đảng phái khác trong các Xô viết (dân chủ cánh tả, cộng sản cánh tả, vô chính phủ) bị phong tỏa và lần lượt bị gạt ra ngoài. Không phải là vô tình mà có một thời (thí dụ trong cuộc nổi dậy ở Kronstadt) khẩu hiệu “Xô viết không cộng sản” được dân chúng ủng hộ. Cộng sản nắm quyền lãnh đạo các Xô viết và tước luôn quyền lực của nó. Nếu Lenin nói rằng chính quyền địa phương ở các nước phương Tây chỉ làm mỗi một việc là “đánh bóng các chậu rửa mặt” thì các Xô viết địa phương của ta, những việc như thế cũng không có tiền. Sự vô quyền của các Xô viết được công nhận lần đầu tiên vào năm 1988. Tất cả báo chí Liên Xô được lệnh đồng thanh lên tiếng về vấn đề này, họ đặt lại khẩu hiệu, như trước cách mạng năm 1917: “Tất cả chính quyền về tay Xô viết[9]”. Tại đại hội XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev tuyên bố về việc kết hợp hai chức vụ Tổng thống và Tổng bí thư vì Xô viết không có quyền hành gì và ông ta có trách nhiệm chuyển quyền lực từ “Đảng” sang các Xô viết. 



Đại biểu Xô viết cũng chẳng có quyền hành gì. Người ta càng thấy rõ hơn điều ấy, khi các đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô thời hậu cải tổ thông qua luật về đại biểu Xô viết; trong đó, cũng như các đạo luật trước đây, các đại biểu chẳng có một quyền gì ngoài quyền kiến nghị (các kiến nghị mà không ai có trách nhiệm phải đưa ra biểu quyết) và quyền chất vấn các quan chức, nhưng cũng không có điều nào quy định rằng các quan chức bị chất vấn buộc phải trả lời cả. 



Như thế có nghĩa là các Xô viết chưa bao giờ nắm được quyền lực nhà nước và vì vậy không có cơ sở nào để coi Liên Xô là Liên bang các nước cộng hòa XÔ VIẾT. 



Cho đến mãi tận thời gian gần đây, các Xô viết chỉ đóng vai trò trang trí, vì, thí dụ Xô viết Tối cao Liên Xô chỉ họp một năm hai lần, mỗi lần cũng chỉ mấy ngày, để đồng thanh “thông qua” các quyết định của Chủ tịch đoàn hoặc các quyết định khác của “Đảng và chính phủ” mà thôi. Các Xô viết địa phương thường họp ba lần một năm. Chỉ nội việc đó cũng rõ là các cơ quan này chẳng có một chút ảnh hưởng nào đối với đời sống của đất nước, mặc dù, tất cả các nhà luật học, ngay cả dưới trào Stalin, đều nói rằng các Xô viết là cơ quan thể hiện ý chí của nhân dân. 



Tất cả các học giả, không trừ một người nào, đều viết rằng các Xô viết được thành lập bằng “hệ thống bầu cử dân chủ nhất thế giới”. Ngay cả những cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên cũng được coi là chứng cớ về sự thống nhất về chính trị và đạo đức giữa Đảng và nhân dân. Cả việc 98,99% cử tri tham gia bầu cử và ứng viên nhận được 99,99% số phiếu bầu cũng chứng tỏ như thế nốt. Cuộc “cải cách” chính trị của Gorbachev có mang lại thay đổi gì không? Quốc hội “lưỡng viện” chưa từng có từ trước tới nay và hệ thống bầu cử vẫn bảo đảm sự thống trị của bộ máy Đảng trong các Xô viết. Sự thay đổi lớn nhất là nhân dân có điều kiện, tuy rất hạn chế, đưa vào vài ứng viên và lần đầu tiên người ta có điều kiện bầu thực sự. Kết quả? 67,5% đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô, 78,6% đại biểu Xô viết Tối cao Cộng hòa liên bang Nga là các cán bộ Đảng, cán bộ quân đội v.v…, nghĩa là hệ thống bầu cử vẫn đảm bảo cho bộ máy của Đảng đa số “ngoan ngoãn” tuyệt đối, một đa số đủ sức “chặn họng” các diễn giả tiến bộ và thông qua các nghị quyết có lợi cho bộ máy của Đảng. Hơn 80% đại biểu Xô viết là Đảng viên, một tỉ lệ còn cao hơn cả thời Stalin. 



Trong một số các nước “xã hội chủ nghĩa”, nơi các cuộc bầu cử thực sự được tiến hành, những người cộng sản thường thất bại, tất nhiên là không phải tất cả các nước đều như thế. 



Các chức năng quản lí và sản xuất được rất nhiều tổ chức hành pháp thực hiện. Cơ quan cao nhất là chính phủ (chính phủ liên bang, chính phủ các nước cộng hòa liên bang, các nước cộng hòa tự trị) được gọi là Hội đồng bộ trưởng. Về mặt pháp lí, đây là chỗ hội họp của các bộ trưởng, các ủy ban và cơ quan ngang bộ khác. Trên thực tế một tổ chức bao gồm hơn một trăm thành viên như thế không thể hoat động được. Vì vậy, ngay từ thời Lenin đã có hai Hội đồng dân ủy, được ghi trong hiến pháp, gọi là “Hội đồng dân ủy lớn” và “Hội đồng dân ủy nhỏ”. “Hội đồng lớn” ít khi họp, “Hội đồng nhỏ” là hội nghị của các bộ trưởng quan trọng nhất. Hiện nay, Hội đồng bộ trưởng Liên Xô cũng chỉ họp toàn thể mỗi năm bốn lần. Thường thì đấy là các cuộc họp của “Chủ tịch đoàn Hội đồng bộ trưởng”, một cơ quan tương đương với “Hội đồng nhỏ” trong quá khứ. Nhưng, cũng giống như Ban chấp hành trung ương Đảng, tất cả các nghị quyết đều do bộ máy chuẩn bị sẵn, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và chánh văn phòng chỉ làm nhiệm vụ kí duyệt[10]



Các ủy ban địa phương cũng hoạt động tương tự như thế. Hầu như tất cả mọi việc đều do chủ tịch và các phó chủ tịch giải quyết theo thẩm quyền của mình. Các cuộc họp ủy ban chỉ có nhiệm vụ “thông qua” các quyết định đã được chuẩn bị sẵn. 



Các bộ và tổng cục chỉ là bộ máy trực thuộc bộ trưởng hay tổng cục trưởng (thí dụ chủ tịch KGB), các quyết định do bộ trưởng ban hành. Giúp việc cho bộ trưởng là cơ quan bộ. 



Người đứng đầu các cơ quan trên được “bầu” từ các ủy viên các Đảng ủy tương ứng (bộ trưởng liên bang là ủy viên ban chấp hành trung ương, chủ tịch ủy ban huyện thì là ủy viên Đảng bộ huyện v.v…) 



Các cơ quan hành chính được xây dựng theo nguyên tắc “lệ thuộc kép”: theo chiều dọc và theo chiều ngang (thí dụ phòng tài chính huyện chịu sự lãnh đạo theo chiều dọc của phòng tài chính tỉnh và theo chiều ngang chịu sự lãnh đạo của ủy ban hành chính huyện). Nguyên tắc này dường như cho phép kết hợp quyền lợi của trung ương (chiều dọc) và địa phương (chiều ngang). Trên thực tế, đấy là “tam đầu chế” vì tất cả các cơ quan hành chính đều đặt dưới quyền lãnh đạo của bí thư Đảng ủy địa phương và đây mới là người lãnh đạo chủ yếu. 



Các cơ quan hành chính có vị trí và chức năng khác nhau. Các bộ và cơ quan ngang bộ của liên bang có số tài sản lớn đến nỗi họ không cần để ý đến chính phủ các nước cộng hòa chứ chưa nói tới các Xô viết địa phương. Các cơ quan hành chính địa phương trên thực tế không có cả phương tiện để giải quyết những vấn đề cấp bách và họ phải xin tiền của các xí nghiệp không nằm dưới quyền quản lí của mình. Chính quyền địa phương của ta không có tiền để đánh bóng ngay cả các chậu rửa mặt. Khẩu hiệu: “Làm cho Moskva trở thành thành phố cộng sản mẫu mực” đã bị nhiều người chế giễu. Trường học, bệnh viện (trừ các bệnh viện đặc biệt) nằm trong tình trạng khủng hoảng, giao thông trên đường phố, nhất là khi trời mưa, trở thành nguy hiểm vì có quá nhiều “ổ gà, ổ voi”, ống dẫn nước uống và nước nóng thường xuyên bị vỡ, các phương tiện giao thông công cộng chật cứng người, nhà máy xí nghiệp thải ra không khí hàng ngàn tấn chất thải và khí độc mỗi ngày, ngay cả hiện nay, sau thời kì “cải tổ” Xô viết Moskva cũng như các Xô viết khu vực cũng chẳng làm được gì để cải thiện tình hình. 




Đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội khác 



Điều lệ Đảng viết: “Đoàn thanh niên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các tổ chức đoàn thanh niên địa phương hoạt động dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng tương ứng ở địa phương”. Điều lệ Đảng cũng xác định rằng đoàn vừa là trợ thủ đắc lực vừa là đội hậu bị của Đảng. Không phải vô tình mà nhiều nhà lãnh đạo KGB xuất thân từ các cán bộ đoàn: Shelepin, Semitrastnưi, Andropov và “sếp cảnh sát” Kriutrkov đều đi lên từ phong trào đoàn. Gorbachev cũng xuất thân từ phong trào đoàn, mặc dù hình như ông ta chưa phục vụ trực tiếp trong KGB nhưng ai cũng biết rằng ông ta là “người” của Andropov. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước “xã hội chủ nghĩa” cũng “phấn đấu” theo con đường đó (thí dụ như E. Honecker và người kế nhiệm ông ta là E. Krenz ở Đông Đức) 



Những năm gần đây, đoàn thanh niên đã đánh mất vai trò của mình. Càng ngày càng có nhiều thanh niên rời bỏ hàng ngũ đoàn, một vài cố gắng cải tổ tổ chức đoàn đã được đưa ra nhằm bảo tồn vai trò của nó. 



Ở Liên Xô có rất nhiều “tổ chức xã hội” và “các tổ chức thiện nguyện” được thành lập theo chỉ thị và vì quyền lợi của Đảng. Một số tổ chức đã tham gia thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, thí dụ tổ chức gọi là DOSAAP, một tổ chức ủng hộ quân đội, không quân và hải quân, thực hiện việc “giáo dục tinh thần ái quốc”, nghĩa là làm công tác chuẩn bị cho thanh niên tham gia phục vụ quân đội. 



Các tổ chức này chỉ có tính thiện nguyện giả tạo[11], mặc dù ở phương Tây người ta thực sự tin như thế. Tất cả các tổ chức này đều là một phần của bộ máy nhà nước, là các “đòn bẩy” của bộ máy quyền lực, là các “thái ấp” loại ba của tầng lớp cán bộ quan liêu[12]



Các cán bộ tay sai của Đảng đóng vai trò đại diện “xã hội Liên Xô” trong các hội nghị quốc tế, các tỷ phú Mĩ tổ chức những buổi tiếp tân để gặp gỡ những đại diện của “xã hội” trong những khách sạn sang trọng nhưng thực ra đấy vẫn chỉ là các quan chức nhà nước. Vì vậy mà “các tổ chức xã hội” chính thức, các “quỹ từ thiện” chỉ là một phần không thể tách rời của bộ máy nhà nước và có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng. 



Giữa những năm 80, lần đầu tiên sau 70 năm vắng bóng, đã bắt đầu xuất hiện các tổ chức và hiệp hội độc lập thực sự. Quan hệ của Đảng đối với các tổ chức này luôn luôn mang tính hai mặt: một mặt, Đảng ủng hộ sáng kiến và dân chủ và vì vậy phải chấp nhận sự xuất hiện “từ bên dưới” của các tổ chức ấy. Các tổ chức đó, thí dụ như các mặt trận nhân dân trong các nước cộng hòa (Saiudis ở Litva chẳng hạn), lập tức trở thành các tổ chức mang tính quần chúng, có ảnh hưởng và uy tín rộng lớn. Nhưng người ta lại tạo ra những cản trở, cả bí mật và công khai, đối với hoạt động của các tổ chức đó. Mùa hè năm 1989, Mặt trận nhân dân Belarus không thể tổ chức hội nghị ở trong nước mà phải chuyển địa điểm sang Litva. Đồng thời, các mặt trận “quốc tế” (có tư tưởng nước lớn) có mục đích trái ngươc với các mặt trận nhân dân cũng được khuyến khích thành lập. 



Đã xuất hiện Đảng “xã hội chủ nghĩa - dân tộc” theo đúng nghĩa của từ này, thí dụ tổ chức gọi là “Pamiat” (“Trí nhớ”), Đảng cộng sản chính thức tuyên bố không liên quan đến tổ chức này. Nhưng sự ủng hộ của KGB thì không thể che dấu được, thí dụ chỉ có KGB ủng hộ thì họ mới có thể tổ chức các cuộc mít tinh tại Hồng trường mà thôi. Đã xuất hiện cả những tổ chức phát xít cũng như các tổ chức của những người vô chính phủ và bảo hoàng… 



Tại các tỉnh, những tổ chức tự nguyện như thế thường bị đàn áp bằng các biện pháp như đánh đập, khám xét, bắt bớ, tịch thu tài sản, đưa vào nhà thương điên v.v… Tại các huyện thì hoạt động tự nguyện gần như không thể nào thực hiện được. Các nhà quan sát nước ngoài thường dựa vào tình hình ở Moskva và các tờ báo của trung ưong để đánh giá “cải tổ”, nhưng ở các “vùng sâu”, “vùng xa” người dân vẫn sống như cũ, ở đó chưa hề có thay đổi gì. 



Xin nói sơ qua về các “quỹ”. Có thể chia các quỹ thành hai loại: một loại do nhà nước thành lập và tài trợ. Đấy là “Quỹ hòa bình”, “Quỹ văn hóa” (bà Gorbachev hoạt động tích cực trong quỹ này) kiếm tiền cho hoạt động của mình bằng các đóng góp “tự nguyện - bắt buộc” (thí dụ các xí nghiệp buộc nhân viên đóng góp một ngày lương). Hoạt động của các quỹ này chỉ mang tính cách “trình diễn”, nhân viên của các quỹ thì được hưởng lương cao, có những “tiếp xúc quốc tế”, nghĩa là được đi nước ngoài bằng tiền của nhân dân. Không có quỹ nào trong số này công bố ngân sách hoạt động của mình. 



Nhóm “quỹ” thứ hai được thành lập trên cơ sở tự nguyện (thí dụ để khôi phục các nhà thờ), nhưng khả năng đóng góp của nhân dân rất có hạn vì họ vừa nghèo vừa phải đóng góp cho biết bao quỹ khác rồi, nhà nước không bao giờ giúp đỡ những loại quỹ này. 




Hợp tác xã 



Hiện nay, người ta đưa ra rất nhiều trích dẫn của Lenin về lợi ích của hợp tác xã (“Hợp tác xã là con đường tới chủ nghĩa cộng sản”), một tổ chức bị bóp nghẹt ngay khi sinh thời ông, với hi vọng rằng có thể dùng hợp tác xã để khôi phục nền kinh tế Liên Xô, nghĩa là trở về với kinh nghiệm của những năm 20. Phải nói rằng người ta đã ép buộc dân chúng vào hợp tác xã bằng những áp lực khác nhau. Lúc đó, cửa hàng nhà nước cũng trống rỗng như bây giờ, còn cửa hàng hợp tác thì chỉ bán cho các xã viên của nó mà thôi. Thế là, thí dụ bạn muốn mua cho mình một cái quần, bạn bắt buộc phải đóng cổ phần rồi nhận một cuốn sổ xã viên và sau đó thì đóng đầy đủ hội phí. 



Sau này, mặc dù nhiều hợp tác xã đã bị giải tán, nhưng xã viên không được hoàn trả số tiền và công sức đã đóng góp cho hợp tác xã và tất cả tài sản do xã viên tạo ra đã được chuyển vào tay bộ máy nhà nước. Thí dụ, nghị định liên tịch Ban chấp hành trung ương và Hội đồng dân ủy Liên Xô ngày 17 tháng 10 năm 1937, dưới cái tên giả nhân giả nghĩa là “Về việc bảo toàn quỹ nhà ở và cải thiện công tác xây dựng nhà ở”, sau phần nói đầu với những lời phê bình dài dằng dặc dành cho các hợp tác xã, đã quyết định “Hủy bỏ các hợp tác xã về nhà ở ..[13]”. Những tòa nhà của hợp tác xã liền trở thành nhà của nhà nước mà xã viên không được nhận một khoản bồi hoàn nào (thí dụ, nếu tôi đã góp tiền xây dựng một căn hộ 2 buồng nhưng sống độc thân thì người ta sẽ thu lại một buồng và cho gia đình khác vào ở). 



Thế mà trước cách mạng, tại nước Nga, mạng lưới các hợp tác xã tiêu thụ đã phát triển rộng khắp, có cả các công xã (đặc biệt là những đồ đệ của Lev Tolstoi), kể cả các hợp tác xã nông nghiệp nữa. Nhưng ngay sau cách mạng “xã hội chủ nghĩa”, những hợp tác xã và công xã này đã bị giải tán, những người lãnh đạo và xã viên của nó thì bị đưa vào trại cải tạo hay nhà tù. Nguyên nhân chỉ có một: các hợp tác xã và công xã tự nguyên và tự chủ đó không thể trở thành “cánh tay của Đảng”. 



Câu chuyện về việc tập thể hóa bằng vũ lực hồi những năm 1929-1932 đã được nhiều người biết. Sau hàng loạt cuộc khởi nghĩa, Stalin, với thói đạo đức giả của ông ta, đã cho công bố bài báo “Choáng váng vì thành công” mô tả bạo lực như là sự cố gắng quá mức của các chính quyền địa phương. Sau khi bài báo được công bố, người ta cho phép nông dân được ra hợp tác xã và một số người đã tận dụng cơ hội này để làm ăn riêng lẻ. Họ được trả lại một phần tài sản, nhưng chỉ được chia đất đai ở khu ngoại vi, rìa làng. Đây là lần cuối cùng, sau đó xã viên không còn được hoàn trả tài sản khi ra khỏi hợp tác xã nữa. Nhưng sau đó họ lại bị lùa vào nông trang hoặc nông trường, khi ra không những không được hoàn trả bất cứ thứ gì mà còn bị cắt xén cả đất phần trăm. Hiện nay vẫn như thế, nhưng hiện nay những người chạy khỏi nông thôn, chạy khỏi nông trang không còn tiếc gì, kể cả ngôi nhà của mình họ cũng không tiếc. Theo số liệu của E. Ligatrev, trong mấy năm đầu “cải tổ” (1986-1987) đã có hơn một triệu nông dân Nga và Ukraine chạy khỏi nông thôn. 



Phong trào hợp tác xã hiện nay vừa rất không ổn định vừa chứa đầy mâu thuẫn, và chịu đủ hình thức áp lực từ nhà nước cho đến quần chúng nhân dân. Các cơ quan nhà nước, trên lời nói thì ủng hộ các hợp tác xã, nhưng trên thực tế lại tìm mọi cách cản trở, trong khi cán bộ nhà nước tìm mọi cách để ăn hối lộ. Nhiều người núp bóng hợp tác xã để hoạt động kinh tế ngầm và rửa tiền, họ chỉ chăm bẵm cho lợi nhuận bằng cách nâng giá và đưa ra thị trường các hàng hóa kém chất lượng mà không chịu bất cứ trách nhiệm gì. Quần chúng nhân dân nói chung không ưa các hợp tác xã. 



Luật lệ về hợp tác xã vừa mâu thuẫn vừa không rõ ràng và thay đổi thường xuyên, còn cán bộ địa phương thì chẳng coi luật lệ ra gì. Các nông trang tiếp tục là vật thí nghiệm, thực chất là người ta đang chuyển nông trang từ chế độ lao dịch sang chế độ địa tô. 



Không thể dự đoán được số phận của các hợp tác xã nhưng rõ ràng là chúng không thể cứu được nền kinh tế Liên Xô khỏi sự phá sản, chúng cũng không thể là “những cánh tay của Đảng” được, cho nên tôi có thể nói mà không sợ sai rằng nó cũng không thoát khỏi số phận của các hợp tác xã thời chính sách kinh tế mới. 



Luật về xí nghiệp Cộng hòa liên bang Nga năm 1991 không nói tới hợp tác xã, việc đăng kí đã chấm dứt. Tờ Tin tức ngày 9 tháng 12 năm 1991 chạy hàng tít lớn: “Vụ cướp giật ngay trên quốc lộ. Kẻ cướp là nhà nước. Nạn nhân là các hợp tác xã xây dựng”. 







[1] Stalin. Những vấn đề của chủ nghĩa Lenin. In lần thứ 11, М., 1952, trang 122-125
[2] Tác phẩm đã dẫn, trang 127
[3] Từ điển bách khoa, tập 3, М., 1955, trang 34
[4] Về mặt chức năng, có thể coi các “hội nghề nghiệp” như hội nhà văn, hội nhạc sĩ, hội nghệ sĩ .v..v.. là tổ chức công đoàn. Nhưng hội viên các hội này, nếu họ còn là thành viên các cơ quan thí dụ ban biên tập tạp chí, nhà hát… thì đồng thời họ cũng là đoàn viên công đoàn.  
[5] Một cán bộ Đảng than vãn: “Họ muốn đẩy tôi làm chủ tịch liên hiệp công đoàn… Hay vì tôi thường phê bình tổ chức công đoàn của chúng ta. Thế là họ kỉ luật tôi bằng cách bầu làm chủ tịch ủy ban địa phương (Nước Nga Xô viết, ngày 5 tháng 12 năm 1986).
[6] Bài trả lời phỏng vấn của V. Mishin, một cựu cán bộ đoàn, trên tờ Ngọn lửa nhỏ thật đáng quan tâm. Anh ta kể về việc đòi chức vụ mới sau khi thôi công tác đoàn mà không hề ngượng (anh ta không nghĩ rằng câu chuyện của mình thật đáng xấu hổ): “S. A. Shalaiev, chủ tịch Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động đề nghị tôi thử sức trong công tác công đoàn. Lãnh đạo Ban chấp hành trung uơng Đảng (“lãnh đạo” là tiếng lóng để chỉ người đứng đầu cơ quan như giám đốc, trưởng phòng; trong trường hợp này là để chỉ Gorbachev – tác giả) ủng hộ đề nghị đó và vấn đề được đưa lên hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động, tôi được bầu làm thư kí..." 
Rõ ràng là các đoàn viên công đoàn không hề được tham khảo ý kiến gì hết. Trong bài phỏng vấn này người ta còn hỏi Mishin: “Liệu công đoàn có phải là chỗ cho những cán bộ hưu trí và nó có còn tiếp tục bảo vệ các cơ quan địa phương không?”. Mishin đồng ý rằng công đoàn “cho đến thời gian gần đây vẫn là bến đỗ bình yên của những cán bộ Đảng đã đến tuổi nghĩ hưu hoặc “điểm đăng kí hộ khẩu” của những nhà lãnh đạo vô tích sự”. Ngay lập tức người chiến sĩ bảo vệ người lao động này tuyên bố phản đối các cuộc bãi công vì cho rằng “không phù hợp với pháp luật”. Anh ta thông báo rằng Ban chấp hành Tổng liên đàon lao động đã trình chính phủ đề nghị thông qua luật về bãi công. Ở đây anh ta đã nói hơi sai: theo quy định, Ban chấp hành trung ương giao cho các bộ phận tương ứng biên sạon dự thảo luật. Vì vậy Ban chấp hành Tổng liên đoàn chỉ thực hiện trách nhiệm là chuẩn bị dự thảo luật về bãi công mà thôi. Dĩ nhiên là thực chất đây là luật về cấm bãi công, vì tuy công nhận quyền bãi công nhưng bộ luật được Xô viết Tối cao thông quan lại đưa ra những điều kiện làm cho việc bãi công trở thành bất khả thi. Thí dụ, cấm bãi công mang tính chính trị, nhưng cuộc bãi công nào cũng có thể được coi là mang tính chính trị cả.
[7] Bộ chuyên sản xuất phân vô cơ Liên Xô đã đề nghị Bộ lao động cho phép tổ hợp “Apatit” được sử dụng lao động nữ trong các hầm mỏ apatit vô cùng độc hại. Xin trích tờ Tin tức, ngày 28 tháng 6 năm 1989: “Nhưng điều đáng ngạc nhiên là (tôi thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả - tác giả) chủ tịch Ban chấp hành công đoàn ngành hóa và hóa dầu, V. Borodin, lại ủng hộ đề nghị này. Công đoàn, nhiệm vụ của nó là bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ của người lao động lại ủng hộ đề nghị của lãnh đạo trong việc sử dụng lao động nữ trong những công việc năng nề và độc hại!”.  
[8] Antonov, đại biểu đại hội VIII (1919) của Đảng nói: ”… Chúng ta thấy các Xô viết đang chết dần chết mòn. Tại các địa phương đang diễn ra một quá trình mà cuối cùng chỉ còn lại các ủy ban hành chính mà thôi, các Xô viết đang bị loại bỏ, mà sự loại bỏ này rõ ràng là đi ngược lại hiến pháp. Đại hội VIII Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga (b). Biên bản tốc kí. М., 1919, trang 172.  
[9] Bài báo trên tờ Tin tức ngày 3 tháng 6 năm 1988 có nhan đề: “Trả lại quyền lực cho các Xô viết!”. Các nhan đề như thế xuất hiện trên các tờ như Người cộng sản, Ngọn lửa nhỏ, Sự thật. Trong chiến dịch tranh cử thời cải tổ năm 1989 một ứng cử viên năm thứ 80 của “Chính quyền Xô viết” đưa vào cương lĩnh khẩu hiệu: “Trả lại cho các Xô viết quyền lực thực tế chứ không phải là quyền lực giả tạo!” (Sự thật Moskva, ngày 1 tháng 2 năm 1989).

[10] Tòa đã bác đơn kiện của O. Kalugin về việc tước danh hiệu tướng của ông một cách trái pháp luật, nghĩa là đơn kiện các cơ quan không được pháp luật xem xét. Nhưng hóa ra không có cuộc họp Hội đồng bộ trưởng nào cả, đây chỉ là quyết định của cá nhân chủ tịch N. Ryzhkov mà thôi.

[11] “Mọi người đều hiểu rõ rằng hội phí được tự động trừ vào tiền lương, còn báo cáo công tác của các chủ tịch hội “thiện nguyện” đều là giả mạo… Thế thì số tiền không lồ đó đi đâu, dành cho ai? Nhiều hội gọi là thiện nguyện đó thực chất từ lâu đã là các hội mà người ta buộc phải tham gia” (Tin tức, ngày 20 tháng 1 năm 1988). Tại thành phố Novogrudok người ta còn bắt ghi tên vào Hội cứu hỏa tất cả các nhân viên của xí nghiệp thuộc … hội người mù! “Chúng tôi là những người khiếm thị!”, các nạn nhân đã kêu lên như thế. “Tình nguyện kiểu này nếu không phải là sự nhạo báng thì cũng là một việc hoàn toàn vô nghĩa!” (Tin tức, ngày 14 tháng 5 năm 1986).  
[12] “Bộ máy của hội bảo vệ di sản lịch sử gồm toàn những người vô tích sự từ các tổ chức Đảng, công đoàn và các cơ quan khác. Họ không biết, không hiểu và không yêu lịch sử” (tạp chí Ngọn cờ, số 1 năm 1988).

[13] Toàn tập luật pháp Liên Xô,1937, số 69, trang 314 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét