Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Trung Quốc vào 'giai đoạn đau đớn': Thế kẹt của Việt Nam...

Theo Đất Việt
21-11-2014
Thành Luân

Việt Nam cũng đang trải qua "giai đoạn đau đớn" nhưng khác kiểu với Trung Quốc và có rất ít tiềm lực để giải quyết được.

ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới trao đổi với Đất Việt về "giai đoạn đau đớn" của Trung Quốc và Việt Nam.
Trung Quốc đủ sức làm được
Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, Trung Quốc đang ở trạng thái chạm tới tất cả những giới hạn của giai đoạn phát triển ban đầu dựa trên lao động giá rẻ, số lượng nhiều, khai thác tài nguyên và bơm tín dụng ra để tăng trưởng và xuất khẩu. Sự phát triển này đã đến giai đoạn bão hòa và thể hiện sự mất cân đối ở những bong bóng kinh tế, mà lộ rõ nhất là bất động sản, sự dư thừa về mặt công suất sản xuất và cả sự cạn kiệt về môi trường, quá tải cơ sở hạ tầng.

"Trước đây Trung Quốc bằng mọi cách và mọi thủ thuật để tăng trưởng siêu cao thì giờ đây họ lại phải dùng mọi sinh lực để phanh nó lại. Để chuyển sang mô hình mới, một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, giảm bớt dần sự can thiệp của nhà nước, sản xuất của Trung Quốc không dựa trên lao động giá rẻ và số lượng nữa mà phải sử dụng công nghệ cao hơn, năng suất lao động cao hơn, dùng ít người hơn và phát triển các lĩnh vực dịch vụ. Những thứ đó Trung Quốc chưa có.
Giống như chiếc xe đang chạy nhanh mà phanh lại để chuyển sang hướng khác, nó sẽ gây ra các rung chấn. Trung Quốc phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại và khi đó phải loại bỏ những bong bóng bất động sản, dư thừa về công suất, nợ xấu, công nghệ cũ...
Đây cũng chính cái giá Trung Quốc phải trả để tiến tới nền kinh phát phát triển bền vững. Muốn vậy, quốc gia này lại phải mất một khoản chi phí để sửa chữa nhưng hỏng hóc, thay đổi bộ máy. "Giai đoạn đau đớn" này của Trung Quốc không phải kéo dài 1, 2 năm và chẳng hề dễ dàng. Họ phải chấp nhận những biện pháp tương đối mạnh mới chuyển hướng được", ông Sơn phân tích.
Trong vòng 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ dao động khoảng 7%, thậm chí xuống thấp hơn, ông Sơn dự đoán. Tuy nhiên, Trung Quốc chấp nhận điều này và không muốn nôn nóng với các biện pháp kích thích. Nếu có chăng các kích thích cũng chỉ để chống sốc cho quá trình giảm tốc.
Trung Quốc cũng chuẩn bị sẵn sàng cho những chấn động trên thị trường tài chính khi nợ xấu từ bong bóng bất động sản, thừa công suất dồn vào hệ thống ngân hàng và một số sẽ phải chấp nhận phá sản. Để tránh bất ổn cho hệ thống tài chính và toàn nền kinh tế, Trung Quốc sẽ phải huy động các nguồn lực để giải quyết hậu quả của sự phá sản này.
Dù vậy, theo ThS Bùi Ngọc Sơn, một khi vượt qua được giai đoạn này, kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển tốt hơn và thu hút được nhiều nguồn lực hơn. Thế nhưng, ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, trong "giai đoạn đau đớn", Trung Quốc sẽ phải thanh trừng tham nhũng, ngoài mục đích để khẳng định hệ thống quyền lực, nó còn liên quan đến việc thay đổi mô hình kinh tế.
"Bộ phận tham nhũng ấy ăn bám vào nhà nước và quyền lực nhà nước, nếu không thanh lọc thì bằng cách này hay cách khác đội ngũ ấy sẽ lái sự can thiệp của nhà nước vào nơi khác và nhà nước sẽ vẫn tiếp  tục muốn nắm giữ. Phải loại bỏ tham nhũng thì nền kinh tế mới xoay hướng được", ông Sơn lưu ý.
Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, kinh tế Việt Nam cũng đang trải qua
Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, kinh tế Việt Nam cũng đang trải qua "giai đoạn đau đớn" nhưng ít có tiềm lực để làm nên chuyện
Trung Quốc hoàn toàn có đủ tiềm lực để làm những việc trên bởi nhà nước Trung Quốc rất mạnh, lạm phát ở mức độ thấp nên các dư địa cho chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của nước này cũng như tiềm lực trong tay chính phủ là có. Mặt khác, theo ông Sơn, bộ máy Trung Quốc có truyền thống khi làm việc gì vì lợi ích quốc gia đều làm rất quyết liệt để tranh giành ngôi vị với thế giới, dĩ nhiên họ phải chấp nhận bỏ ra chi phí.
Việt Nam cũng "đau đớn" nhưng...
Vị Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, không chỉ Trung Quốc, bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua "giai đoạn đau đớn" không thể khác được.Việt Nam cũng theo cách thức như vậy, cũng dựa trên lao động, xuất khẩu tài nguyên, làm gia công.
"Thế nhưng Việt Nam còn tệ hơn. Trung Quốc đã có một thời gian tăng trưởng, hướng vào xuất khẩu nên họ đã phát triển được nền công nghệ tương đối đối cao, khi nó gây mất cân đối thì họ mới phải thay đổi.
Còn Việt Nam lại không có nền công nghệ nào cả, chỉ quanh quẩn chuyện lao động rẻ, đào tài nguyên đi bán và chỉ thế thôi. Việt Nam đang ở giai đoạn muốn có công nghệ nhưng không biết làm thế nào vì nền kinh tế vẫn phải dựa trên lao động rẻ, tài nguyên và bơm tín dụng. Trong khi đó, giới hạn về kinh tế, bong bóng bất động sản đã hình thành quá to, nợ xấu chình ình... Đó là nỗi đau đớn của Việt Nam", ông Sơn chỉ rõ.
Việt Nam có làm nên chuyện hay không, theo ThS Bùi Ngọc Sơn, là rất khó. Bởi Việt Nam đang ở thế kẹt, doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, thất thoát, tham nhũng, bất động sản chình ình ra đấy nhưng không ai muốn phá bỏ nên nợ xấu không có cách nào loại được, hệ thống ngân hàng thì cứ loanh quanh, chỉ muốn không ai bị phá sản, trong khi không phá sản không giải quyết được vấn đề gì.
"Kinh tế Việt Nam cứ lình xình như thế, không bứt lên được mà xuống thì cũng đã tới giới hạn dưới của nó. Còn những tiềm lực nho nhỏ thì không thể đưa ra được đột phá gì, nhà nước cũng đang nợ nần, lạm phát luôn ở mức cao nên dư địa về chính sách tiền tệ không còn nhiều. Rắc rối của Việt Nam là ở chỗ đó, cũng là đau đớn nhưng khác kiểu Trung Quốc và còn rất ít tiềm lực để giải quyết được", ông Sơn nói.
Đặc biệt, ThS Bùi Ngọc Sơn lưu ý, khi Trung Quốc đang trong "giai đoạn đau đớn" để chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, đã có hiện tượng quốc gia này tuồn công nghệ cũ, lạc hậu sang Việt Nam.
"Trung Quốc đang thải công nghệ ra còn Việt Nam thì muốn vươn lên, lại ở ngay cạnh bên và chính sách tỷ giá tính ra kiểu gì máy Trung Quốc cũng rẻ hơn máy nước khác, lại thêm doanh nghiệp nhà nước làm ăn như thế thì chẳng có cách nào thoát được việc đi nhập của Trung Quốc. Việt Nam bao nhiêu lần kêu ca về tình trạng này nhưng càng kêu càng phình to. Bởi Việt Nam không có sự chuẩn bị nên không thể chạy đi đâu được ngoài con đường ấy".
Để Việt Nam có thể vượt qua "giai đoạn đau đớn", theo ông Sơn, quan trọng nhất là phải tổ chức lại nền kinh tế. "Chừng nào doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lớn như thế và chính sách nhà nước đưa ra cũng lại dựa trên đó thì làm sao có được kinh tế thị trường?
Chính sách giá nhà nước cũng can thiệp, doanh nghiệp nhà nước hoạt động thì đưa ra hàng loạt những trợ cấp bằng giá đất, tín dụng giá rẻ... Bởi vậy, mỗi khi có tranh chấp thương mại và Việt Nam bị quy kết chưa phải là nền kinh tế thị trường, chúng ta hay thua là vì vậy", ông Sơn chỉ rõ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét