Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

KHOẢNG TRỐNG

Bình Vương - thesaigontime
01-08-2014
”…một thực tế kiến trúc đô thị giàu chất đi sản như Sài Gòn, nói không ngoa, chỉ đụng chạm đến một mãng tường hay mái ngói xưa, một gốc cây hay bờ đá cũ vỉa hè ... cũng là đụng đến những giá trị mà người người lớp trước đã dày công xây góp. Có thể chỉ là những thành tố rời trong kho "từ vững kiểng trúc" của thành phố, nhưng chúng ghép nên câu nên vần, chép lại từng mảnh ký ức văn hoá cộng đồng đa sắc trong đó, âm thầm mạch dinh dưỡng quý hiếm cho đời sau. Thiết nghĩ một sinh thể bình thường nào cũng có quyền được khắc khe đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa khi đụng đến mỗi phần nhỏ thịt da hồn cốt”
(TBKTSG) - Nhiều cây cao lớn hơn trăm năm tuổi ở công viên trước Nhà hát Thành phố vừa bị đốn hạ, cùng với “bùng binh cây liễu”, một khoảng xanh độc đáo nằm ngay điểm giao của hai đại lộ đẹp nhất khu trung tâm Sài Gòn đang được phá bỏ. Lý do: dọn mặt bằng để thi công xây dựng công trình mới cho một thành phố văn minh hiện đại nhiều năm sau. Dẫu đúng đây là việc chẳng đặng đừng, thì những ai yêu và gắn bó với Sài Gòn vẫn không khỏi hụt hẫng trước một khoảng trống không nhỏ, vừa hữu hình mà cũng vô hình.

Thật ra, cư dân nội thành của đô thị đông nhất nước này đã quen gặp nhiều khoảng trống, với ý nghĩa tích cực hay tiêu cực.

Có những khoảng trống giúp nới rộng khung trời, mở những “view” nhìn xanh đẹp và lạ thoáng đủ cho người ta quên nhanh những tù túng dơ bẩn của tuyến kênh xưa ken dày nhà sàn ổ chuột cùng với dập dềnh bè rau muống trên mặt nước đen ngòm, đồng thời người ta cũng quên nhanh những trầy trật ạch đụi của nhà thầu thi công cùng những tai tiếng dây dưa về ban quản lý dự án.

Lại có những khoảng trống làm người dân... mừng hụt, bởi lầm tưởng một khu đất giải tỏa nơi “mũi tàu” ở ngã ba, ngã tư đông nghẹt nào đó sẽ biến thành khoảng xanh công viên, chứ không phải sẽ mọc lên một công trình xây mới chình ình, ham hố choán thêm tầm mắt người qua kẻ lại hàng ngày.

Lại nữa, khi thị trường bất động sản còn tiếp tục đóng băng và những bản quy hoạch treo chưa hạ xuống hết, không ít những khoảng mặt bằng giải tỏa xong rồi để đó cho loài cỏ chẳng gợi hồn thu thảo cứ tha hồ mọc chen với thứ xà bần muốn trơ gan cùng tuế nguyệt. Những nơi nào may mắn thì được chủ đầu tư tìm cách lấp chỗ trống bằng các bãi giữ xe hay quán nhậu tạm thời... Hiển hiện trên những nẻo đường nội đô đất chật người đông, mỗi khoảng trống “vàng” của không gian vật lý đó đều để lộ ít hay nhiều, to hay nhỏ những lỗ hổng về trách nhiệm, về trình độ tư duy quy hoạch và quản lý đô thị xứ ta.

Nhớ một dạo, thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới, có câu trích dẫn từ tác phẩm của nhà thơ Rasul Gamzatov thường được nhiều người nhắc đến, rằng: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác. Hình ảnh ví von thật ấn tượng, song dường như lúc ấy người ta nhắc nó chỉ để nhằm cảnh báo những ai muốn “mạnh tay” dẫn đến “quá tay” với những giá trị của quá khứ. Quá khứ được hiểu là thời gian đã qua, đúng như giải nghĩa trong từ điển, và cái “đêm trước đổi mới” đầy ám ảnh dĩ nhiên cũng thuộc phạm trù quá khứ. Nhưng thôi, những sản phẩm tư duy hình tượng - nhất là, lại là của các nhà thơ - thì bao giờ cũng chứa khoảng trống ngữ nghĩa nhất định, dành cho bất cứ ai nếu muốn đều có thể điền thêm phần diễn giải của riêng mình.

Ở đây, nhắc lại câu nói trên là để lưu ý một khoảng trống trong cách hiểu về nó. Ấy là người ta đã chăm chăm canh chừng quá khứ chỉ bằng nhãn quan chính trị. Từ cách hiểu này, những hành động “đốt đền” (theo nghĩa trong ngoặc kép) bị lên án và trừng phạt gay gắt bằng tất cả sự nhạy cảm mẫn cán, còn việc xâm phạm phá hoại các công trình đền/đình trên thực tế thực địa (cho dù nấp hay không nấp dưới danh nghĩa trùng tu di tích chẳng hạn) thì lắm khi được làm ngơ hoặc được bỏ qua một cách dễ dàng. Khoảng trống nhận thức ấy, cho đến hôm nay có còn... trống?

Trở lại một thực thể kiến trúc đô thị giàu chất di sản như Sài Gòn, nói không ngoa, chỉ đụng đến một mảng tường hay mái ngói xưa, một gốc cây hay bờ đá cũ vỉa hè... cũng là đụng đến những giá trị mà người người lớp trước đã dày công xây góp. Có thể chỉ là những thành tố rời trong kho “từ vựng kiến trúc” của thành phố, nhưng chúng ghép nên câu nên vần, chép lại từng mảnh ký ức văn hóa cộng đồng đa sắc trong đó, âm thầm mạch dinh dưỡng quý hiếm cho đời sau. Thiết nghĩ một sinh thể bình thường nào cũng có quyền được khắt khe đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa khi đụng đến mỗi phần nhỏ thịt da hồn cốt.

Bài toán đặt ra, cuối cùng, vẫn là xác định trước những góc độ cần bảo tồn và thực thi chuyện bảo tồn để khỏi mỗi lần có dự án mới, lại nghe những tiếng than cho một “hòn ngọc Viễn Đông” đã qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét