Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

LẦN NẦY, TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG NÓI GẦN ĐÚNG : THAM NHŨNG DIỄN RA TRONG NỘI BỘ CHÚNG TA

Hạ Đình Nguyên
31-7-2014
nhân một bài từ motthegioi - 05-05-2014 (xem bên dưới)

Khi bác Trọng nói “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền”.
Quả thật, nói như thế không sai, nhưng chỉ “gần đúng” thôi. Bởi lẽ, nếu hiểu rốt ráo vấn đề thì không thể đưa ra giải pháp vòng quanh như “kiến bò miệng chén” thế kia, và lấy cái “khuyết tật bẩm sinh” đi trị cái “khuyết tật bẩm sinh” :
Tham nhũng – chống tham nhũng – chống chống tham nhũng…
Nhưng tham nhũng theo bác Trọng, là tất yếu của quyền lực, nên nói rõ :
-  quyền lực tham nhũng
-  quyền lực chống quyền lực tham nhũng
-  quyền lực chống  quyền lực chống quyền lực tham nhũng …         
Liệu có bao nhiêu chữ chống liên tiếp nữa, để khép lại một vòng tròn bất tận ? Chỉ cần hai cái phản đề như trên thôi, không cần từ từ, nhà nước cũng đủ nhừ, mà xã hội cũng ngất ngư !
Giài pháp bác Trọng đưa ra để trị cái khuyết tật bẩm sinh, bằng một cuộc xếp hàng những trạng từ nhấn mạnh về quyết tâm, cũng bất tận không kém : phải xử lý “kiên quyết, kiên trì, nghiêm minh, đúng quy định, nghiêm túc, bình đẳng, thật nghiêm, tuân thủ…”  
Thưa bác Trọng,
Chừng ấy từ ngữ, thậm chí nhiều hơn nữa, dù kín cả trang giấy chỉ đạo, thì nó vẫn là từ ngữ, lòng vòng trong  24 chữ cái thôi. Từ ngữ, quả thật không có khả năng xử lý được cái “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Bác nói “cần chú trọng vào các quy định”- lại là quy định, và cũng chỉ là quy định thôi. Vì nó cũng được đẻ ra từ cái “khuyết tật bẩm sinh”, rồi điều khiển nó cũng bởi cái “khuyết tật bẩm sinh”,có cái ăn gian nào, được gọi là tham nhũng, mà không đúng quy định hở bác ? Hỏi các cấp là biết ngay, họ thuộc làu vanh vách. Chỉ các anh ăn trộm chó là không đúng quy định nên bị dân đánh chết tại chỗ.

Bác chỉ đạo tập trung vào những “người có chức quyền cao và có nguy cơ tham nhũng cao”, bác còn đề cập tới Ngân Hàng nữa. Làm gì rớ tới được ngân hàng hở bác !

Khi bác nói “cần chú trọng tới…” thì két ở đây đã rỗng hết rồi ! Ông Tập Cận Bình thì dám đánh cả “ruồi lẫn hổ”, nghĩa là lớn bé đều không tha. Nói thế thôi, chứ cả thế giới và dân Trung Quốc đều biết chẳng qua là thanh trừng nội bộ. Bác thì nhân ái hơn, chỉ nhằm vào hổ lớn. Thế cũng phải, hổ lớn còn chưa ra sao, nói chi đến ruồi thì đầy rẫy các cấp và ban ngành. Bác cũng từng biết : đụng đâu cũng phải tiền, nhưng nhắm mắt làm ngơ. Có khi, ý bác chỉ nhằm đánh vào hổ để được lòng ruồi, mà dân cũng hả dạ chăng ? Nhưng nên nhớ, dân nhìn vào các quan bé, tận cùng cơ sở, thậm chí cảnh sát giao thông ở đường lộ, cũng đều có nguy cơ cao là thấy hình ảnh của bác, của cả Bộ chính Trị hiện ra lồ lộ. Cái cách liên tưởng, suy diễn theo hệ thống kiểu nầy của dân chúng, cũng là “khuyết tật bẩm sinh”, nhưng không phải của quyền lực, mà của không quyền lực, bác ạ.

Bác cũng từng nói chống tham nhũng không phải là dễ, nay bác khuyên phải tiếp tục “kiên quyết, kiên trì”. Bác đã chẳng từng nói, cuối thế kỷ nầy chưa chắc đã xong (hoàn hảo). Người ta lại liên tưởng đến chuyện “Ngu Công Di Sơn” của Tàu, mà Mao Trạch Đông bảo nhân dân phải học tập, đó tính kiên trì và kiên quyết của “Ông họ Ngu dời núi” !

Cái luận lý của bác, dù hàng hàng lớp lớp từ ngữ chặc chẻ bao quanh, nhưng bác cũng biết là không thoát ra được khỏi cái vòng tròn trấn yêu của Tôn Ngộ Không, nên cuối cùng bác phải mượn cái từ nhân dân để giải vây: “Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công”.

“Dựa vào dân” thật là ý tưởng thuộc hàng hoang tưởng, dù bác nói thật hay đùa. “Cuộc chiến” nầy, cho nổ vậy thôi, chứ dân đâu có ‘chiến” gì, dù có chăng cũng không có vũ khí, dù vũ khí chỉ là lời nói. Có gì đâu mà dựa ! Bác đứng trong hội trường, trên cái bục có máy khuyếch tán âm thanh, nói mãi thế nầy, dân im lặng. Trong cái im ắng ấy, không có chỗ cho bác dựa đâu !

Bác nói “cần có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác…”. Hình như ý nầy cũng đã từng được nghe nói lâu rồi, nhưng Giải pháp phù hợp là cái gì vậy, bác Tổng Bí Thư ?

Sở dĩ nói: “lần nầy bác nói gần đúng” là vì quanh co mãi cũng tòi ra hai chữ “nhân dân”. Rồi dừng ở đó, ngon ơ ! Bác định giao cho ông “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” nào tìm ra “giải pháp phù hợp” ? Cứ việc giao mãi, cho đến khi nào xong thì thôi, bác nhỉ ? Còn có cái bục đứng để nói, thì nói vậy !

Có một chân lý mà bác tránh né, đó là giải pháp từ bỏ độc tài, trao lại quyền làm chủ của nhân dân, nhưng vì nó không phù hợp cái nhìn phong thủy của bác.

Cho là bác nói “gần đúng”, vì giống như quả bóng đụng xà ngang rồi bật ra xa, không vào lưới. Đó là quả bóng hoàn toàn hỏng. Gần đúng đâu phải là đúng ! Cả kháng đài lẫn người suýt bóng đều thất vọng và tiếc nuối, nhưng bác thì không, vẫn điềm nhiên kiên trì. Người ta lại nhớ câu chuyện “Ngu công di sơn”(1)./.

HĐN
(tác giả gởi cho SGĐT - 30/7/2014)

(1) “Ngu Công Di Sơn”. Câu chuyện bên Tàu : Có ông họ Ngu, phía trước nhà ông ờ có một quả đồi, ông cho là không hợp phong thủy, hoặc không phù hợp ý ông , nên hằng ngày ông đào đất, gánh lên đôi vai / đội trên đầu từng sọt, đem đổ phía sau nhà, ngày nầy qua ngày khác. Câu chuyện không nói đến kết quả cuối cùng là ông có dời được quả đồi ra phía sau nhà hay không, nhưng là tấm gương mà Mao đem ra giáo dục dân Trung Quốc : phẩm chất kiên trì, kiên quyết, thiết thực, thái độ dứt khoát, kiên đinh…Họ của ông ấy là họ Ngu, trùng âm tiếng Việt là ngu (đần), không phải là “ông đần dời núi”.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bài đăng trên Một Thế Giới  05-05-2014 :

Tổng Bí thư: Tham nhũng diễn ra trong nội bộ chúng ta

Đăng Bởi Một Thế Giới 
Tổng Bí thư: Tham nhũng diễn ra trong nội bộ chúng ta

“Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền”.
Phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 5.5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ như trên.
Tổng Bí thư cho rằng muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm; phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Cần chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao; quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.
Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan Nhà nước; thiết lập cho bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dẫn đến quan liêu, lạm quyền, phạm các sai lầm nghiêm trọng. 
Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công.
PV (Trích phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét