Nguyễn Thị Từ Huy - rfavietnam
07-08-2014
Một trong những cuốn sách tôi đọc trong những ngày đầu tiên tới Paris là
cuốn La-Sơn Phu-Tử của Hoàng Xuân Hãn, viết về Nguyễn Thiếp – La-sơn
Phu-tử, nhân vật lịch sử của vùng La-sơn xưa, tức là Can-lộc ngày nay.
Tôi đọc Hoàng Xuân Hãn và gặp lại tâm tình của ba tôi. Trong từng
trang sách, tôi thấy lại nỗi niềm của ba tôi, và như nghe thấy giọng
ông, mà tôi vẫn lưu giữ trong ký ức kể từ hồi niên thiếu, kể những câu
chuyện về lịch sử và địa danh xứ Nghệ.
Đọc sách Hoàng Xuân Hãn, tôi nhìn thấy trước mắt mình, xếp chồng lên
những tòa nhà trên các đường phố Paris, hình ảnh 99 ngọn núi Hồng Lĩnh,
tiếp nối nhau chạy dài về tương lai, và những khúc sông lúc hiện lúc ẩn,
khuất sau những bãi bồi hay những xóm làng, có những nơi vẫn còn rất
nghèo đói. « Nói tóm lại, triền sông Lam là một nơi rất nhiều
thắng-cảnh. Đứng chỗ nào, chung quanh cũng trông thấy núi. Mà ở núi nào
cũng đầy dấu-tích xưa: đền cũ, thành xưa, bãi chiến-trường, nơi ẩn-dật.
Nhà La-sơn phu-tử ở về phương nam, bên cạnh núi Nhạc-sạn, phía tây-nam
núi Hồng-lĩnh. » (La-sơn Phu-tử (LSPT), Hoàng Xuân Hãn, nxb Minh Tân,
Paris 1952, tr.45. Từ đây trở về sau, những trích đoạn trong sách này sẽ
được chú thích bằng số trang đặt trong ngoặc đơn. Chúng tôi cũng giữ
nguyên cách viết chính tả có ngang nối của Hoàng Xuân Hãn).
Có những cuốn sách như vậy. Chúng không chỉ tường trình sự việc, mà
sự việc là nơi hợp lưu giữa nỗi niềm của nhân vật và nỗi niềm của tác
giả. Những cuốn sách như vậy có thể làm lay động và đánh thức cả cảm xúc
lẫn suy tư ở độc giả. Những cuốn sách đó dù không có lời hô hào nào,
nhưng tiếng gọi của chúng thâm sâu và da diết.
Đó là điều mà một cuốn sách có thể làm: kết nối các không gian, kết
nối các thời đại (quá khứ - hiện tại và có thể cả tương lai), và kết nối
nỗi niềm, tâm tình của những con người ở các không gian và các thời đại
khác nhau ấy.
Khởi đi từ một tâm tình rất riêng tư, cuốn sách này đã khiến tôi phải
suy nghĩ về những câu chuyện chung của chúng ta, cả trong quá khứ lẫn
hiện nay. Trong bài này, tôi sẽ đề cập tới một vấn đề : cầu hiền và sử
dụng năng lực trí tuệ.
Quang Trung đã cầu hiền như thế nào…
Trong cuốn La-sơn Phu-tử, Hoàng Xuân Hãn thuật lại thái độ hết sức
đặc biệt của Quang Trung đối với Nguyễn Thiếp, một nho sĩ đậu hương giải
từ lúc còn rất trẻ, sau đó qua vòng thi Hội nhưng từ chối thi tiến sĩ,
có ra làm quan nhưng rồi chọn cách hành xử xuất thế, từ quan vào núi ẩn
dật. Tính chất đặc biệt thể hiện trong việc Nguyễn Huệ ba lần viết thư
mời Nguyễn Thiếp ra làm việc và đều bị từ chối cả ba lần, nhưng vẫn tiếp
tục hội kiến và trọng dụng La-sơn Phu-tử, bất chấp việc ông già ở ẩn đó
về căn bản là không chịu hợp tác với Nguyễn Huệ, vì sự trung thành với
nhà Lê, cho đến tận mãi về sau, khi Lê Chiêu Thống « rước voi về giày mả
tổ », khiến cho cụ không còn có thể đặt lòng trung vào nhà Lê được nữa,
đồng thời cụ cũng nể Nguyễn Huệ, người đã bộc lộ những phẩm chất không
chỉ của một tài năng quân sự, một dũng tướng trăm trận trăm thắng, mà
còn là của một người trọng tài, trọng kiến thức, độ lượng và giỏi bang
giao.
Lần thứ nhất Nguyễn Huệ viết thư mời Nguyễn Thiếp là vào tháng 12 năm
1786, năm Cảnh Hưng thứ 47, lúc đó ông chưa lên ngôi vua, bức thư ký
tên An-nam Đại-nguyên-súy. La-sơn Phu-tử trả lại thư cùng lễ vật. Hoàng
Xuân Hãn bình luận: « cụ chối một cách đường-hoàng, lời-lẽ rất khôn
khéo. […] ngôn-từ rất đứng-đắn, không tỏ ý gì sợ-hãi cả. […] Thực ra cụ
chỉ một lòng trung với vua Lê, còn Huệ đối với cụ chỉ là một anh
tù-trưởng ở chỗ biên thùy mà thôi. Nên cụ không những trả lễ vật mà lại
còn trả cả thư mời nữa, để tỏ ý cùng Huệ rằng cụ hoàn-toàn không chịu
giao-thiệp với Huệ ». (101)
Nguyễn Huệ chẳng những không tự ái, không trừng phạt, mà kiên trì
tiếp tục mời Nguyễn Thiếp hợp tác. Một năm sau, vào tháng 10 năm 1787,
lúc bấy giờ Nguyễn Huệ, với danh nghĩa Đại-nguyên-súy Tống-quốc
Chính-bình-vương, viết bức thư thứ hai cho La-sơn Phu-tử. Lời lẽ hết sức
trọng thị, và Nguyễn Huệ không mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình, mà ra
giúp sinh-dân để thực hiện đạo-nghĩa. La-sơn Phu-tử trả lại y nguyên các
lễ vật hậu hĩnh của Nguyễn Huệ và lấy lí do sức khỏe yếu để từ chối,
nhưng hứa hẹn một khả năng: « Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người
cố-vấn dự-bị » (104)
Hoàng Xuân Hãn nhận xét về thái độ và cách ứng xử của Nguyễn Huệ: «
Huệ không bằng-lòng, nhưng lại càng thêm trọng cụ, và muốn mời cụ ra cho
kỳ được. Cho nên mười một ngày sau khi cụ viết thư trên, nghĩa là
lập-tức sau khi nhận được thư ấy ở Phú-xuân, Chính-bình-vương bảo viết
thư cố nài cụ. Thư này dài hơn các thư trước. Vương lại sai quan Hình-bộ
thượng-thư Thuyên-quang-hầu Hồ Công-Thuyên mang tới núi. Thế mới biết
lòng khẩn khoản của Chính-bình-vương là thế nào. » (105).
Trong bức thư thứ ba này, Nguyễn Huệ có những lời thống thiết như
sau: « Kẻ danh-thế thỉnh-thoảng ra đời. Quả-đức hằng nghĩ và mơ-tưởng
đến. Trong mười lăm năm đến bây-giờ, chưa hề phút nào giám quên. Không
ngờ nay, trông lên thành Lục-niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để
dành Phu-tử cho quả-đức vậy. Tuy Phu-tử không thèm tới, nhưng lòng dân
đen trông ngóng, Phu-tử nỡ ngơ-lảng được sao ? Lòng cầu hiền, quả-đức há
giám sinh bụng đầu siêng sau lảng đâu » (107). Trước những lời lẽ tha
thiết đó, La-sơn Phu-tử tiếp tục từ chối một lần nữa, tiếc là không còn
giữ được bức thư phúc đáp của ông.
Liên tục bị từ chối, Nguyễn Huệ chẳng những không giận mà một năm sau
đó, tháng 3 năm 1788, trên đường hành quân ra Thăng Long, khi dừng chân
tại Phù Thạch, đã viết thư mời La-sơn Phu-tử tới hội kiến. Trong cuộc
gặp gỡ trực tiếp này, Nguyễn Thiếp đã có cơ hội để nói ra một cách thẳng
thắn lý do không hợp tác với Nguyễn Huệ. Theo tường thuật của Hoàng
Xuân Hãn, các sách lịch sử chép lại cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này
có khác nhau về lời lẽ, nhưng ý rất thống nhất: Khi Nguyễn Huệ hỏi lý
do vì sao mời ba lần mà không nhận lời, Nguyễn Thiếp nói thẳng rằng nếu
Nguyễn Huệ phù Lê thì là anh hùng, còn nếu giả nhân nghĩa để lấy tiếng
thì là gian hùng. Bị mắng là gian hùng mà Nguyễn Huệ lấy làm sợ mà trọng
đãi cụ hơn. Đồng thời lệnh cho La-sơn Phu-tử xem đất để lập kinh đô ở
Phù Thạch, Nghệ An, nhưng cả lần này Nguyễn Thiếp cũng từ chối, ông lần
lữa, trì hoãn không chịu xem. Vì thế, việc lập kinh đô ở Phù Thạch không
thành.
Ngày 29 tháng 11 năm 1788, trên đường tiến quân ra Thăng Long diệt
quân Thanh, Nguyễn Huệ có cuộc hội kiến thứ hai với Nguyễn Thiếp. Quang
Trung hỏi ông kế đánh giặc, Nguyễn Thiếp hiến kế: « quân quý thần tốc ».
Sách Lê quí Kỷ sự chép: « Ngày 29, Huệ đến Nghệ-an, nghỉ binh. Triệu
Nguyễn Thiếp đến hỏi phương-lược. Thiếp nói: « Người Thanh ở xa tới, mệt
nhọc, không biết tình-hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào.
Vả nó có bụng khinh-địch. Nên đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ
phá tan. Nếu trì-hoãn một chút thì khó lòng mà được nó. » (130). Nguyễn
Huệ hành quân thần tốc, ngày 20 tháng chạp đến Tam Điệp, ngày 30 tháng
chạp Quang Trung hạ lệnh xuất quân, hẹn quân sĩ sẽ ăn tết ở Thăng Long
ngày mồng 7, nhưng ngày mồng 5 quân Tây Sơn đã giành chiến thắng ở kinh
thành, sớm hơn cả dự định. Về sau trong một bức thư gửi Nguyễn Thiếp,
Quang Trung có viết: « Trẫm ba lần xa-giá Bắc-thành, Tiên-sinh chịu ra
bàn chuyện thiên-hạ. Người xưa bảo rằng: « Một lời nói mà dấy nổi cơ-đồ
». Lời Tiên-sinh hẳn có thế thật ». (131) Theo nhận định của Hoàng Xuân
Hãn, phương kế của Nguyễn Thiếp đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt
của Nguyễn Huệ.
Về sau, nể tấm lòng trọng hiền tài của Nguyễn Huệ, La-sơn Phu-tử nhận
lời làm viện trưởng viện Sùng chính, nhưng làm việc tại nơi cụ ở ẩn,
tại núi Thiên Nhận (Nghệ An). Nhiệm vụ của Sùng chính viện là dịch sách
Tàu sang tiếng ta, để phục vụ cho việc dạy học. Nguyễn Huệ lập Sùng
chính viện có lẽ để thực hiện một trong nhũng lời khuyên của Nguyễn
Thiếp dành cho ông, trong cương vị là vua một nước, liên quan đến việc
học: tránh học từ chương (học từ chương là học để làm quan, cầu danh
lợi, chỉ dẫn đến “Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá gia vong”), mà
phải có chính-học, nghĩa là « học cho rộng rồi ước-lược cho gọn, theo
điều học biết mà làm. Họa may nhân-tài mới có thể thành-tựu ; nhà nước
nhờ đó mà vững yên » (Trích bản tấu của Nguyễn Thiếp gửi Quang Trung,
ngày mười…(không rõ ngày mười mấy) tháng 8 năm 1791, LSPT, tr.146).
Và trong tờ chiếu của Quang Trung về việc lập Sùng chính viện, nhà
vua viết: “Trẫm định đặt Sùng-chính thư-viện ở Vĩnh-kinh, tại núi
Nam-hoa; ban cho ông làm chức Sùng-chính-viện viện-trưởng. Cho ông hiệu
La-sơn Tiên-sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định theo
phép học Chu-tử, khiến cho nhân-tài có thể thành-tựu, phong-tục trở lại
tốt đẹp” (Trích tờ Chiếu của Quang Trung, ngày 20 tháng 8 năm 1791,
LSPT, tr.148). Lời lẽ của Quang Trung ở đây có lặp lại đúng lời của
Nguyễn Thiếp trong bản tấu. Ta thấy, Quang Trung ra chiếu lập Sùng chính
viện chưa đến mười ngày sau khi Nguyễn Thiếp dâng tấu. Nguyễn Huệ làm
gì cũng thần tốc. Về việc Quang Trung giao hẹn La-sơn Phu-tử trong vòng
ba tháng phải dịch xong ba kinh “Thi, Thư, Dịch”, Hoàng Xuân Hãn bình
luận: “Đó chắc vì Quang-trung muốn đọc gấp. Quang-trung lại bảo dịch gấp
kinh “Thi” trước để mình xem. Thế tỏ rằng ông đại-tướng không chỉ
thượng-võ, mà trong sự hiếu-học cũng như trong mọi việc khác,
Quang-trung muốn chóng thành công” (153)
Sùng chính viện được mở cũng có thể xem như là một cách Nguyễn Huệ
tiếp thu lời khuyên của Nguyễn Thiếp về vấn đề Quân đức (đức của vua).
Trong bản tấu trên đây, Nguyễn Thiếp đưa ra ba lời khuyên trọng yếu
trong đó thứ nhất là: “1) Một là bàn về quân-đức. Vua dốc một lòng tu
đức, ấy là gốc của vạn sự. [...] Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi
sự học mà có đức”.(144) Như vậy La-sơn Phu-tử quan niệm rằng đạo đức chỉ
có thể xây dựng trên cơ sở học vấn. Phải chăng đấy là lý do khiến
Nguyễn Huệ cấp tốc cho xây dựng Sùng chính viện, cho dịch sách Tàu, và
nôn nóng muốn đọc kinh thư, muốn xây dựng học vấn của bản thân và phổ
biến học vấn cho con dân của mình?
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Nguyễn Huệ bị từ chối nhiều lần mà vẫn đặt
lòng tin vào Nguyễn Thiếp, vẫn tin rằng ông ấy thực bụng giúp mình đánh
quân Thanh và giúp mình lãnh đạo quốc gia? Nếu không tin đã không hỏi,
mà có hỏi thì cũng sẽ không nghe theo.
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ quay trở lại với thực trạng sử dụng
năng lực trí tuệ của chúng ta hiện nay. Đôi khi thực tế đương đại lại có
thể giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề trong quá khứ.
(Còn tiếp)
Paris, ngày 4/8/2014
Nguyễn Thị Từ Huy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét