Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Tản mạn chuyện năm cũ bước sang năm mới

GS Tương Lai

<< Trong sự “nổi loạn chống lại trạng thái cũ” thì sẽ không thiếu những cực đoan, quá khích nhân danh “cái mới”, thậm chí tự huyễn như vậy mới thật sự là “mới”. Còn “trạng thái cũ, đang suy đồi” thì thông thường vẫn giữ được cái vẻ bên ngoài là ổn định, thậm chí vững chãi, cho dù về bản chất thì đã mục ruỗng, thối nát. Nhất là khi cái “trạng thái cũ, đang suy đồi” ấy lại được “tập quán thần thánh hóa” thì sức chống trả của “cái cũ” thường rất dữ dằn bởi lẽ sức mạnh vang bóng một thời của nó vẫn còn lưu lại khá đậm trong tâm lý đám đông. Ấy thế mà nhiều khi với đám đông, cái vô thức thường tác động như một lực tiềm ẩn, mà trong hành động của con người thì phần vô thức lại hay chiếm một tỷ lệ lớn hơn phần lý trí.>>

Những ngày cuối năm 2014 dồn dập những tin gợi nhiều suy ngẫm. Cuộc chiến giá dầu đã làm thay đổi những toan tính chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ riêng việc áp dụng kỹ thuật mới trong cách khai thác dầu mỏ, Mỹ đã giành thế chủ động chiến lược trong đối phó với những đối thủ như Iran, Nga, và rồi sẽ là Trung Quốc. Xin chép lại đây một bình luận sắc sảo nhặt được trên mạng:
Nước Nga mạnh lên trong 10 năm nhờ khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ, vì chỉ biết bán tài nguyên dầu hỏa, khí gas để ăn. Nước Nga mạnh lên thì Hoa Kỳ và Trung Cộng cũng khốn khổ vì giá dầu tăng, vì họ là những quốc gia đứng thứ nhất và thứ hai sử dụng dầu nhiều nhất thế giới. Ông Putin đã gặp thời khi lên nắm quyền ngay lúc giá dầu tăng, thực ra ông không có tài năng gì, ngoài tư tưởng và hành động độc tài được nuôi dưỡng từ thời cộng sản Liên Xô. Nay giá dầu xuống. Nước Nga khốn đốn. Ông Putin quen là lãnh đạo ăn bám của để dành của tổ tiên. Nay không có sáng kiến gì để vực nước Nga, vì hơn 200 ngàn tài năng khoa học Nga đã bị chảy chất xám sang phương Tây và Hoa Kỳ trong 12 năm cầm quyền của ông. Quanh ông không còn ai biến nước Nga trở thành một quốc gia hùng mạnh nhờ vào trí tuệ, mà chỉ là những kẻ ăn bám như ông.
Oil dollar đã làm mưa, làm gió suốt 10 năm qua. Giờ đã đến lúc mưa tạnh, gió hòa. Cũng là lúc Hoa Kỳ hùng mạnh trở lại. Cũng là lúc Trung Cộng chật vật với bong bóng đầu tư. Cũng là lúc mà nếu ông Putin muốn trợ giá đồng Rub của mình thì, 400 tỷ dollar dự trữ từ bán dầu và khí gas của nước Nga chỉ có thể dùng trong 60 ngày!

Và rồi sự kiện Ukraine, một nhà xã hội học ở Matscơva phang một câu gọn thon lỏn: “Nước Nga giống như một chiếc máy bay: chỉ có một phi công điều khiển, phần còn lại thì nôn oẹ . Cuộc xung đột ở Ukraine có thể là chết người đối với chế độ Putin giống như Thế chiến I cho Sa hoàng Nicholas I, hay sự can thiệp của Liên Xô ở Afghanistan cho chế độ Xô Viết. Putin có lẽ sẽ không rút quân khỏi Lugansk và Donetsk. Nhưng để đóng băng cuộc xung đột sẽ rất tốn kém về tài chính và chính trị. Putin nói rằng cuộc khủng hoảng ở Nga sẽ kéo dài nhiều lắm là hai năm. Đây không phải là sự dối trá lần đầu tiên hay cuối cùng. Ông ta thuyết phục mọi người rằng cho mọi thứ là do người Mỹ, và có vẻ như ông ta cũng tin vào điều vô nghĩa này.
Có những người Nga tiếp nhận những lời nói này trong đức tin - phòng thủ chống lại phương Tây cần phải tập trung xung quanh nhà lãnh đạo. Nhưng cũng những người này cuối cùng sẽ hỏi, giá trị của nhà lãnh đạo là gì khi khuấy lên rắc rối với cả thế giới. Và sau đó, khi nói về Ukraine, họ sẽ lặp lại những lời của Andrei Sakharov về cuộc chiến ở Afghanistan – “một cuộc chiến đáng xấu hổ”. Thiếu suy nghĩ và độc ác. Nỗi bất hạnh của nước Nga.
Nhưng có lẽ điều bất ngờ lớn lại là sự xuất hiện và lan tỏa ảnh hưởng đáng sợ của IS, điều chưa ai hình dung nổi trước đây một năm. IS liệu có phải là một chương mới kể từ ngày 11.9. 2001, bọn khủng bố quốc tế biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử để đánh vào tòa tháp đôi ở New York, biểu tượng của nước Mỹ, gây nên một chấn động toàn cầu và kéo theo nó những sự kiện mà diễn biến của nó ngày càng khó lường cho đến hôm nay và chắc sẽ không chỉ hôm nay. Cùng với những hiện tượng chưa có tiền lệ đó là biết bao những sự kiện xảy ra mà các bình luận gia nổi tiếng của thế giới xem ra bất lực trong những gì họ đã cố gắng đưa ra những kiến giải.
Có thể còn phải kể nhiều nữa những hiện tượng, những sự kiện của những ngày cuối năm 2014, nhưng với trình độ hạn hẹp của người ĐIỂM TIN như tôi thì sự kiện tác động mạnh đến cảm nhận và dòng tư duy của người điểm tin chính là sự kiện diễn ra vào ngày thứ Tư 17.12.2014, ngày Tổng thống Obama lẫn Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời loan báo bình thường hóa mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, một “quyết định lịch sử”.
Là quyết định lịch sử vì nó cho ta thấy tầm quan trọng của việc theo đuổi thế giới như nó phải là, chứ không chịu bằng lòng với một thế giới như nó hiện là. Đây là lời của Obama trong phát biểu cám ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô về vai trò của Giáo hoàng trong diễn trình bình thường hóa dẫn đến kết quả mà nhân dân Cuba khắc khoải chờ đợi cũng như nhân dân Mỹ mong muốn.
Tuy vậy, theo giáo sư François Durpaire, tác giả tập biên khảo “Lịch sử nước Mỹ”, thì “Một trong những lý do thúc đẩy việc chuẩn bị bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ là hậu thuẫn của công luận Mỹ: 67% người Mỹ ủng hộ xu hướng bình thường hóa bang giao. Tóm lại dư luận Mỹ đã chuyển biến. Và trong vụ này, Barack Obama đã thúc đẩy công luận Mỹ thay đổi, với hai động thái trong năm 2014 này. Đầu tiên là hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro tại sân vận động Soweto ở Nam Phi nhân lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela. Sau đó là lời khen của Ngoại trưởng John Kerry đối với Cuba, về vai trò của nước này trong cuộc đấu tranh chống dịch Ebola tại Sierra Leone và Guinéee.
Tóm lại, công luận Mỹ rốt cuộc đã dần dần thay đổi cái nhìn, và trong công chúng Mỹ, có các công dân Mỹ gốc Cuba. Bộ phận kỳ cựu nhất thuộc các hiệp hội chống Castro và luôn luôn giữ một lập trường cực kỳ cứng rắn chống lại việc bình thường hóa, nhưng con cháu của họ, các công dân Mỹ, lại đã thay đổi cách nhìn vấn đề và tương tự như đa số người Mỹ khác, mong muốn quan hệ Mỹ-Cuba được bình thường hóa.
Thế là sau hơn nửa thế kỷ thù địch và cấm vận, sư vận động của cuộc sống đã bác bỏ những cái như nó hiện là để dẫn đến cái như nó phải là đúng với quy luật. Nhưng có lẽ cũng cần nhớ rằng, những người thích nói và hay nói đến cái gọi là quy luật ấy nên hiểu về tính phức tạp của những biến động với những bước đột phá đôi khi nhìn bề ngoài có vẻ ngẫu hiên, rất khó lường, nhưng chính là thông qua vô vàn những ngẫu nhiên ấy mà tính tất nhiên biểu hiện ra.
Chẳng thế mà nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao tại La Habana đều cho rằng việc xích lại gần với Mỹ không thể có được nếu Fidel Castro còn lãnh đạo. Là khuôn mặt của cuộc chiến tranh lạnh, ông đã thách thức được 11 đời Tổng thống Mỹ khác nhau, thoát chết qua rất nhiều âm mưu ám sát...Những lời lẽ đả kích chủ nghĩa đế quốc Mỹ của ông vẫn còn được tất cả mọi người ghi nhớ, và ngay cả trước khi chinh phục được quyền lực năm 1959 còn thổ lộ rằng cuộc chiến chống Mỹ là “định mệnh” thực sự của mình.
Nhà ngoại giao phương Tây trên đây nhận định: “Fidel tuyệt đối chống Mỹ, trong khi Raul có tầm nhìn thực dụng hơn, đặt lên hàng đầu những gì có lợi nhất cho đất nước”. Trên thực tế, với những cải cách của mình, với các tuyên bố hòa dịu và chính sách ngoại giao, Raul đã chuẩn bị cái nền cho mối quan hệ mới với người láng giềng khổng lồ, có thể mang lại các tác động có lợi cho người dân Cuba.
Chính vì vậy mà, trên thực tế, Gabriel Molina, khuôn mặt kỳ cựu của báo chí Nhà nước Cuba và là cựu chủ nhiệm nhật báo lớn Granma khẳng định: “Fidel không thể ra mặt, nhưng đây là thành tựu của nỗ lực ngoại giao trong đó ông ấy có nhúng tay vào, chắc chắn là như thế.
Năm nay đã 88 tuổi, lần cuối cùng Fidel xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2014. Theo một viên chức Mỹ, Fidel Castro không tham gia các cuộc thương thảo được tiến hành vô cùng bí mật từ tháng 6/2013 dưới sự bảo trợ của Canada, và sự ủng hộ mang tính quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Nhưng đa số các nhà quan sát ở Cuba cho rằng việc xích lại gần người láng giềng bị phỉ nhổ trước đây đã được Fidel tán thành, vì Raul không bao giờ muốn qua mặt người anh nổi tiếng. Khi lên nối ngôi năm 2006, Raul đã khẳng định: “Fidel là người không thể thay thế được. Tất cả những quyết định quan trọng đều sẽ tham khảo ý kiến của ông. Hôm thứ Tư, Raul đã nhiều lần nêu tên Fidel, nhắc lại lời hứa năm 2001 và nhấn mạnh rằng mặc cho tiến trình hòa giải, Cuba không hề nhượng bộ trong những vấn đề chủ chốt… như Fidel Castro đã tuyên bố trước đây.
Đương nhiên, làm sao mà không tuyên bố như thế được. Và cũng không lạ là ngay trong tiến trình đầy hân hoan với nhiều viễn ảnh ngoạn mục như: sau việc trả tự do cho các gián điệp bị tù lâu năm của cả hai phía, trên 50 nhà dân chủ Cuba bị tù do phía Hoa Kỳ đưa ra, các sứ quán sẽ được mở lại, rồi du lịch, rồi buôn bán, rồi ngân hàng sẽ được mở ra... Tổng thống Obama sẽ đến La Habana và Chủ tịch Raun Castro sẽ đến Mỹ thì ngày 30/12/2014, chính quyền Cuba đã câu lưu 51 nhà đối lập để ngăn cản họ tổ chức một cuộc tập họp công khai. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/12 đã ra thông cáo lên án việc chính quyền La Habana “tiếp tục sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện, đôi khi rất thô bạo, để bịt miệng những người chỉ trích.
Bất chấp thông cáo nói trên, hôm qua, đúng ngày đầu năm 2015, cảnh sát Cuba lại câu lưu hàng chục nhà đối lập, khi họ kéo đến một nhà tù ở La Habana để đòi trả tự do cho những nhà đối lập khác. Chiến dịch đàn áp này sẽ càng khiến cho những người chỉ trích việc Hoa Kỳ Cuba xích lại gần nhau có thêm lý lẽ để phản đối. Những người này, mà trong đó có nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ, vẫn cho rằng lẽ ra Washington trước hết nên đòi La Habana có những nhân nhượng về mặt nhân quyền, trước khi cam kết sẽ bình thường hóa bang giao giữa hai nước. Mặc dù chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận về mọi chủ đề với Tổng thống Barack Obama, nhưng ông đã nói ngay là sẽ không thay đổi chính sách và sẽ không nhân nhượng trên những vấn đề mà ông cho là thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó dĩ nhiên là có vấn đề nhân quyền.
Sẽ hiểu hơn những diễn biến đó nếu lưu  ý đến bình luận của George Friedman trên Stratfor Global Intelligencengày 23.12.2014: “Quan hệ HK-Cuba đã giá băng trong nhiều thập kỷ, với không bên nào sẵn sàng nhượng bộ đáng kể hoặc thậm chí có những buớc đi đầu. Nguyên nhân một phần là do chính trị nội bộ của mỗi nước mà nó làm cho việc lạnh nhạt được khuyến khích. Về phía HK, liên minh của người Mỹ gốc Cuba, các nhóm bảo thủ và các nhóm bảo vệ nhân quyền chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của Cuba và ngăn chặn nỗ lực. Về phía Cuba, sự thù nghịch với Hoa Kỳ đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì chính đáng tính cho chế độ cộng sản. Không chỉ chính quyền được sinh ra để chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, mà Havana cũng còn sử dụng lệnh cấm vận của HK để giải thích cho những thất bại kinh tế của Cuba. Không có áp lực bên ngoài để thúc đẩy hai bên tuơng nhuợng nhau, và có nhiều lý do nội bộ đáng kể để duy trì tình trạng ngưng đọng như vậy.
Người Cuba bây giờ đang bị một số áp lực để chuyển dịch chính sách của họ. Họ đã tìm cách để tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô với những khó khăn. Bây giờ họ phải đối diện với một vấn đề cấp bách ngay trước mắt: sự bất ổn của Venezuela. Caracas cung cấp dầu cho Cuba với sự giảm giá rất lớn. Thật khó có thể nói nền kinh tế của Cuba gần bờ vực như thế nào, nhưng rõ ràng là dầu của Venezuela đã tạo ra một sự khác biệt đáng kể. Chính quyền của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn đang tăng tốc cho những thất bại về kinh tế. Nếu chính phủ Venezuela sụp đổ, Cuba sẽ mất đi một trong những trụ cột nền móng để chống đỡ chế độ. Số phận của Venezuela vẫn còn chưa biết được như thế nào, nhưng Cuba phải đối mặt với khả năng của một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra này, và phải tạo điều kiện cho việc mở cửa. Mở cửa sang Hoa Kỳ thì hợp lý trong việc duy trì chế độ.... Không ai biết được tương lai. Cuba muốn duy trì chế độ và tìm cách giải tỏa áp lực từ Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, Cuba thực sự không quan trọng. Nhưng khi thời gian đi qua, không ai có thể đảm bảo rằng nó sẽ không trở nên quan trọng. Cho nên, chính sách của HK nhấn mạnh vào sự thay đổi chế độ trước khi giải tỏa áp lực. Với việc Cuba quyết định duy trì chế độ, thì Cuba có gì để cho? Họ có thể hứa trung lập vĩnh viễn, nhưng cam kết như vậy không có giá trị nhiều.
Cuba cần quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, đặc biệt là nếu chính quyền Venezuela sụp đổ. Với nền kinh tế nghèo nàn của Venezuela thì có thể, về mặt lý thuyết, Cuba buộc phải thay đổi chế độ do từ áp lực nội bộ. Hơn nữa, Raul Cátro đã già và Fidel Cátro đã rất già. Nếu chính quyền Cuba cần phải duy trì, nó phải được bảo đảm ngay từ bây giờ, bởi vì hiện giờ không được rõ là những gì sẽ nối tiếp khi hậu Castros. Nhưng Hoa Kỳ có yếu tố thời gian, và mối quan tâm về Cuba là một phần trong DNA của HK. Không có sự lo lắng trong hiện tại, thì duy trì áp lực là điều không có ý nghĩa. Nhưng Washington cũng không có sự khẩn cấp để chấm dứt nó cho Havana. Obama có thể muốn có một di sản, nhưng logic của tình hình là Cuba cần điều này hơn HK, và cái giá của HK cho việc bình thường sẽ cao hơn khi nó xuất hiện ở thời điểm này, cho dù được thiết lập bởi Obama hay người kế nhiệm ông”.
Sự kiện Cuba khiến người điểm tin này quan tâm không phải chỉ vì ai đó từng phởn lên mà nhắc lại câu nói ngô nghê của một thời duy chí về chuyện “anh thức tôi ngủ”! Mà vì, những bình luận nói trên của George Friedman gợi lên những ý tưởng cũng hao hao giống với ý tưởng của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski:
Hiện có một cơ hội lịch sử để xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn nhiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhưng chúng tôi không muốn đó là một mối quan hệ đổi chác, tức là chúng tôi đến với Việt Nam khi chúng tôi cần họ vì một cái gì đó và phía Việt Nam đến với chúng tôi khi họ cần chúng tôi vì một cái gì đó. Trước đó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã từng tuyên bố rằng phía Mỹ muốn mối bang giao với Hà Nội “sâu sắc và bền vững hơn như các mối quan hệ đối tác của Mỹ với các bạn hữu và các đồng minh thân thiết nhất ở châu Á, châu Âu cũng như những nơi khác”.
Nên hiểu Hoa Kỳ không muốn “quan hệ đổi chác” với Việt Nam theo hướng nào đây? Đài VOA bình luận: “Trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam cũng củng cố quan hệ, nhất là về quân sự, với Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Vào những tháng cuối năm 2014, Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Hà Nội nhằm tăng cường an ninh và trinh sát trên biển.
Theo các nhà quan sát, quyết định của Washington cho thấy sự tin cậy chiến lược giữa hai nước trong khi Mỹ theo đuổi chính sách xoay trục về châu Á giữa lúc Trung Quốc đang trỗi dậy. Ngoại trưởng John Kerry cũng nói, một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền đã, đang và sẽ là người bạn đồng hành không thể thiếu được của Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ sớm kỷ niệm 20 năm quan hệ hữu nghị Mỹ – Việt. Còn trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thì nhấn mạnh rằng mối quan hệ Hà Nội – Washington cần phải “dựa trên những giá trị chung”, và đó là lý do vì sao Hoa Kỳ “nhấn mạnh rất nhiều tới vấn đề nhân quyền”. Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, cũng tuyên bố rằng ông sẽ “thẳng thắn và trực tiếp nói với các lãnh đạo ở Hà Nội rằng việc chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền sẽ làm cho họ mạnh hơn, chứ không phải yếu đi, đồng thời tiềm năng của mối quan hệ đối tác cũng sẽ phát triển”.
Đề cập đến những sự kiện liên quan đến chủ đề này, đài BBC bình luận về việc Việt Nam có nên “tin tưởng hay không”vào những tuyên bố được cho là “ngoại giao hòa hoãn”, “hạ giọng, mềm dẻo” của nhà cầm quyền Trung Quốc qua chuyến thăm Việt Nam ba ngày diễn ra vào cuối tuần trước của Du Chính Thanh, BBC dẫn lời Giáo sư Vũ Minh Giang mà họ lưu ý ông này là “nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn đường lối chiến lược cho Bộ Chính trị và Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”:
Đối với Trung Quốc, có lẽ kinh nghiệm từ xa xưa cho đến bây giờ nó vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đó là cố gắng hết sức trong quan hệ ngoại giao, nhưng thực tế như thế nào thì phải là câu chuyện phải chờ […] Chứ không thể tin ngay vào những cử chỉ của quan chức, cho dù là cao cấp đến đâu, của Trung Quốc. Đó là thực tế lịch sử, chứ không phải là muốn hay không muốn, thích hay không thích. Vì vậy cho nên tôi không kỳ vọng nhiều lắm vào chuyến thăm của ai đó, cho dù là thứ mấy của Trung Quốc, sang Việt Nam...”Đối với Trung Quốc, tôi vẫn có một cách nghĩ. Đó là hãy quan sát họ làm trên thực tế, chứ những gì họ nói thì quá hay rồi, phải nói là không thể nói hay hơn được […] Việc Trung Quốc họ thực hiện từng bước mục tiêu của họ thì mình cũng không ngăn cản được, đó là mục tiêu của họ dồn toàn lực họ làm, thế nhưng họ làm được hay không là phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam.
Theo Giáo sư Giang, nhận thức của lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi rõ rệt vào đầu năm 2015 so với thời điểm một năm về trước khi bước vào năm 2014, sau khi diễn ra vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông.
Nhà nghiên cứu sử học và địa chính trị nói: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc - Việt Nam vào thời điểm bước vào năm 2015 nó khác xa với bước vào 2014 trước khi có vụ Hải Dương 981, khác xa rồi”. Không có một “bật đèn xanh” nào đó, chắc là vị giáo sư nguyên là... như BBC nhấn mạnh, sẽ không có được khẩu khí kiểu này cho dù đã cố đưa ra một câu rất chi là lạc quan đáng ngờ: “Trước kia còn có người nói thế này, người nói thế kia, bây giờ ở Việt Nam, tôi thấy chỉ là sách lược thế này, thế kia, chứ trên dưới đồng lòng về nhận thức về Trung Quốc”.
Phải chăng chính vì vậy, khi được hỏi Việt Nam nên tiếp tục chiến lược ngoại giao như cũ, hay cần đổi mới khác đi, Vũ Minh Giang lại cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục kiên định với chính sách “đa phương” quan hệ và “ba không” để giữ “độc lập” và tránh “đối đầu” với Trung Quốc. Ông nói: “Kinh nghiệm của Việt Nam cho hay, cho đến nay Việt Nam có được những thành công trong quá trình phát triển của mình, là ở chỗ phải giữ được độc lập”.
Khác với ông Giang, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế và khu vực từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Lương Văn Kế khẳng định với BBC cho rằng tham vọng và chính sách chiến lược của Trung Quốc về Biển Đông là không thay đổi. Và do đó, ông đặt vấn đề Việt Nam cần điều chỉnh chính sách “ba không” của mình, mà theo đó Việt Nam cam kết “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”.
Bình luận mới đây về khả năng Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cùng các động thái được cho là đe dọa chủ quyền khác với Việt Nam, Tiến sĩ Kế nói: “Trong sự cạnh tranh với Trung Quốc, hay tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà phải dựa vào các lực lượng khác. Mà tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là cần phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa sự đe dọa hay là mối nguy từ phía Trung Quốc. Và Việt Nam không thể nào một mình thực hiện theo chủ trương tôi gọi là “tuyệt đối ba không” được.Bởi vì nếu thực hiện “ba không” như vậy, thì mối nguy an ninh là rất rõ và tiềm chứa một nguy cơ là Trung Quốc sẽ ỷ thế vào và yêu cầu Việt Nam không được làm trái với điều mà Trung Quốc nói là “hoàn toàn nói ngược”.
Chúng ta tuyên bố “ba không”, thì không có lý do gì chúng ta liên minh với các nước khác để cân bằng với Trung Quốc, cho nên tôi nghĩ đến lúc chúng ta phải xét lại để hiểu thế nào là “ba không”. Trong trường hợp Tổ quốc lâm nguy hoặc toàn bộ không gian Biển Đông bị đe dọa, thì tôi nghĩ Việt Nam phải triển khai một chiến lược an ninh kết hợp các quốc gia khác. Chúng ta không phải liên minh nước này chống nước kia, nhưng chúng ta rõ ràng cần phải có sự hỗ trợ quốc tế và các thế lực có sức mạnh thực sự, có thể ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm được sứ mệnh đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông.
Xem ra, từ những thông tin và bình luận vừa dẫn ra thì cái câu ngô nghê dẫn ra ở trên lại có thể vận dụng dưới cái dạng phản đề của nó ở chỗ: chuyện người anh em “thức-ngủ” đang “xoay trục” kia không khỏi khiến ai đó giật mình. Thì chẳng phải là Trung Quốc đang rất sợ Việt Nam tuột khỏi vòng kiềm tỏa của họ đó sao? Chẳng thế mà tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam gia nhập TPP là việc Trung Quốc đang ra sức xúc tiến.
Điều mà ngài Du Chính Thanh phải vội vã “sang thăm” Việt Nam vừa rồi đã được cụ Nguyễn Trọng Vĩnh kịp thời vạch rõ:
Chừng hơn một tuần trước đây báo, đài đưa tin: Theo lời mời của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương TQ sắp sang thăm nước ta, nhưng khi ông ta đến thì tối ngày 26/12 TV lại đưa tin là: Theo lời mời của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo cách đưa tin trên thì ông Du Chính Thanh sang thăm, gặp và làm việc với các nhà lãnh đạo quan trọng Việt Nam là chính... dù trước đó có hội đàm với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tương đương chỉ là phụ và cho phải phép ngoại giao.
Ông Du Chính Thanh thăm Việt Nam trong bối cảnh: Đảng Cộng sản Việt Nam đương khẩn trương chuẩn bị Đại hội XII; nhân dân Việt Nam bất bình về việc TQ lấp đất đá trong cụm bãi đá Gạc Ma cướp của Việt Nam năm 1988 và sắp hoàn thành một căn cứ quân sự có đường băng, có cảng nổi, uy hiếp quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Tổng tham mưu trưởng báo cáo trước Quốc hội cảnh giác đối với mưu đồ chiếm trọn biển Đông của nhà cầm quyền TQ; Việt Nam tổ chức những cuộc triển lãm đầy đủ tư liệu lịch sử, pháp lý về quyền sở hữu của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn đưa ra cả bản đồ cũ của TQ xác định biên giới tận cùng của họ chỉ đến đảo Hải Nam; Việt Nam đã nộp hồ sơ lên Tòa án trọng tài quốc tế, đề nghị Tòa án trú trọng đến quyền và lợi ích của Việt Nam khi xét xử vụ Philipine kiện TQ, Tòa án, chấp nhận xem xét đề nghị của Việt Nam và cho biết đương xem xét đề nghị của Hà Nội yêu cầu bảo vệ các quyền lợi của họ trong vụ việc; Việt Nam thăm Philipine, quan hệ tốt với Nga, hợp tác đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ. Mỹ đã đồng ý bán vũ khí sát thương cho Việt Nam…
Bối cảnh trên đây thôi thúc nhà cầm quyền TQ phải hành động. Họ cử một Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sang thăm nhằm thực hiện nhiều mục đích....” Vì thế, cụ Vĩnh quyết liệt cảnh báo:
Cần tỉnh táo, chớ vội tin vào những lời hữu nghị giả dối, phải xem những việc nhà cầm quyền TQ làm.
Mọi người Việt Nam có lương tri, có lòng yêu nước luôn phải cảnh giác với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán chưa bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính Việt Nam.
Thực hiện dân chủ!
Xiết chặt khối đại đoàn kết các dân tộc!
Mọi quyết định của Đại hội đều vì nước, vì dân Việt Nam không cho thế lực nào chi phối!
Phát huy tình thần tự chủ tự cường!
Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của tổ quốc Việt Nam!.
Rõ ràng là, chỉ điểm xuyết một vài thông tin nhặt nhạnh từ trên mạng về những hiện tượng nổi bật vào những ngày cuối năm 2014 bước sang 2015, những dữ kiện làm điểm tựa cho những suy ngẫm về thời cuộc đã thấy có quá nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Đó là những dữ kiện có ý nghĩa lớn lao thôi thúc những cái đầu biết tư duy phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại, nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm để tự bổ sung cho mình những tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống.
Thời điểm mà chúng ta đang sống quả là một thời điểm đặc biệt, là một sự dồn nén về không gian và thời gian được bộc phát trong tư tưởng, trong nhận thức. Có người cho rằng chúng ta đang tiếp cận với một thế giới mà độ phức tạp của nó đã vượt quá năng lực trí tuệ phán đoán của con người. Hệ thống lớn với những tầng cấu trúc cực kỳ phức tạp như xã hội loài người lại đang ở trong một thời kỳ mà các quy luật của lượng biến thành chất và phủ định của phủ định bộc phát, tác động đa trùng ở nhiều tuyến, nhiều diện, cộng hưởng trong không gian và hội tụ trong thời gian.
Người ta hiểu ra rằng, dường như quá khứ dừng lại ở đây, tương lai không còn là sự nối tiếp giản đơn theo tuyến tính của cái đã xảy ra. Sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới đầy bất định khó mà tiên liệu trước. Năm 2014 với những biến động dữ dội của chúng, trong đó, có những hiện tượng vừa dẫn như sự xuất hiện và lan tỏa ảnh hưởng đáng sợ của IS chẳng hạn, điều chưa ai hình dung nổi, là một ví dụ. Cùng với những hiện tượng chưa có tiền lệ đó là biết bao những sự kiện xảy ra đã thực sự đang “phá vỡ nguyên trạng” với nghĩa đen và nghĩa bóng mà các bình luận gia nổi tiếng của thế giới xem ra vẫn bất lực trong những gì họ đã cố gắng đưa ra. Đó là thế giới mà tôi đang sống và đang suy ngẫm về nó.
Trong kỷ nguyên của những biến động dữ dội ấy, một sự chậm đổi mới nào cũng đều phải trả giá. Không thể đi mãi trên một con đường mòn đã được vạch sẵn mà chặng đường 40 năm qua đã đưa đất nước chúng ta đến cái kết quả không tương xứng với xương máu đã đổ ra trên đất nước thân yêu của chúng ta cho dù đã có không ít những cố gắng, những thành tựu không thể và không được phủ nhận. Đó là một sự thật.
Cách nay đã 15 năm, khi bước vào thiên niên kỷ mới mở đầu với thế kỷ XXI, về “con đường mòn” ấy tôi có viết trên một bài báo Tết: Quen với con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm hoạ vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn. Giờ đây nhìn lại, những “thảm họa” đã diễn ra còn khủng khiếp hơn suy nghĩ của tôi vào buổi ấy. Chỉ sau đấy 1 năm, ngày 11.9. 2001, thế lực khủng bố quốc tế đã biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử để đánh vào tòa tháp đôi ở New York, biểu tượng của nước Mỹ, gây nên một chấn động toàn cầu và kéo theo nó những sự kiện mà diễn biến của nó ngày càng khó lường cho đến hôm nay và chắc sẽ không chỉ hôm nay. Hiện tượng IS, rồi sự kiện Ukraine khiến châu Âu đang trở thành đấu trường của các biến động chính trị, cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng và xung đột quân sự, đẩy thế giới đến gần một cuộc chiến tranh lạnh mới là minh chứng.
Trong phút giao thừa, lúc cũ mới giao thoa, năm cũ chuyển mình bước vào năm mới trong đầu tôi cứ lẩn thẩn với ý tưởng của Hégel vốn đọng lại trong đầu óc và chi phối cách nhìn nhận, phân tích về thế cuộc “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.
Trong sự “nổi loạn chống lại trạng thái cũ” thì sẽ không thiếu những cực đoan, quá khích nhân danh “cái mới”, thậm chí tự huyễn như vậy mới thật sự là “mới”. Còn “trạng thái cũ, đang suy đồi” thì thông thường vẫn giữ được cái vẻ bên ngoài là ổn định, thậm chí vững chãi, cho dù về bản chất thì đã mục ruỗng, thối nát. Nhất là khi cái “trạng thái cũ, đang suy đồi” ấy lại được “tập quán thần thánh hóa” thì sức chống trả của “cái cũ” thường rất dữ dằn bởi lẽ sức mạnh vang bóng một thời của nó vẫn còn lưu lại khá đậm trong tâm lý đám đông. Ấy thế mà nhiều khi với đám đông, cái vô thức thường tác động như một lực tiềm ẩn, mà trong hành động của con người thì phần vô thức lại hay chiếm một tỷ lệ lớn hơn phần lý trí.
Vì vậy, coi thường sức mạnh của “trạng thái cũ” hiện tồn hoặc khiếp sợ trước nó đều dẫn đến những sai lầm. Tốt hơn cả là nghĩ kỹ về khuyến cáo của Roosevelt: “Điều duy nhất mà ta phải sợ là chính là nỗi sợ hãi”. Vượt lên chính mình, đó là chuyện khó nhất. Khi viết những dòng này chính là lúc tôi đang cố vượt lên chính mình đây. Để vượt được, phải tự động viên bằng lời của Nobert Wiener, cha đẻ của ngành điều khiển học, “Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta đến tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường đó”.
Những diễn biến của cuộc sống với những sự kiện đã và đang diễn ra mà ĐIỂM TIN [một tài liệu do nhà nghiên cứu Tương Lai tập hợp, gửi cho bạn bè hàng tuần – BVN], một cố gắng nhỏ nhoi nhằm đẩy tới những chuyển biến để tạo ra một đột phá đẩy cuộc sống đi tới. Vâng, đúng là nhỏ nhoi, một hạt cát trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống. Trong dòng chảy ấy, triệu triệu hạt cát mới tạo thành phù sa, và từ phù sa bồi đắp mà cây cối đâm chồi nảy lộc. Cũng từ phù sa ấy những hạt giống tư tưởng được gieo trồng và hình thành nên tư tưởng của thời đại chúng ta sống đang khẳng định một sự thật: Chuẩn mực chính là sự thay đổi!

                                                                               Tp Hồ Chí Minh ngày 4.1.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét